Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và cơ hội cho nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, lạm phát thấp là cơ hội để chuyển trọng tâm từ kiểm soát lạm phát sang kích thích tăng trưởng kinh tế bằng các chính sách. Chúng ta sẽ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn, chi phí vốn sẽ giảm.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và cơ hội cho nền kinh tế - Ảnh 1
TS. Vũ Đình Ánh
Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay liên tục tăng thấp?

TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng đây là kết quả đáng mừng. Năm 2014 cũng tương tự như từ năm 2012 đến nay chúng ta đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có mục tiêu nổi bật là kiềm chế và kiểm soát lạm phát. CPI là một chỉ số để chúng ta biết diễn biến của lạm phát. So với cuối năm 2013, CPI đến nay chỉ tăng 1,84% và mục tiêu mà chúng ta đặt ra cả năm 7% là trong tầm tay, nếu từ nay đến cuối năm không có điều gì bất thường xảy ra.

Có lẽ lạm phát đang ở mức quá thấp, ngoài cả mong muốn điều hành 7% là con số được cho hợp lý để bảo đảm nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm nay và để nền kinh tế, cung - cầu thị trường thực sự sôi động hơn, khởi sắc hơn, thưa Ông?

Nếu nhận định CPI hay lạm phát hiện nay quá thấp thì cũng không hẳn. Bởi vì nếu theo thông lệ quốc tế, người ta tính lạm phát theo năm. Mà theo năm thì hiện nay chúng ta dùng hai chỉ số, một là so với cùng kỳ năm trước và hai là bình quân các tháng năm nay so với năm trước. Nếu căn cứ vào hai chỉ số đó, so với cùng kỳ tháng 8.2013, chỉ số giá hiện nay là 4,31%. Nếu tính bình quân 8 tháng năm 2014 so với bình quân 8 tháng năm 2013 thì vẫn tăng 4,73%. Nếu so với thông lệ bình thường của các nền kinh tế trên thế giới thì tốc độ lạm phát đó là bình thường, không hẳn thấp. Nếu kết luận hơi thấp là sớm và vội vàng.

Thưa Ông, chúng ta có thể khai thác mặt tích cực của lạm phát thấp như thế nào? Phải chăng đây là cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu hơn?

Tôi cho rằng ở đây có khá nhiều vấn đề liên quan đến CPI hay biểu hiện của lạm phát.

Thứ nhất,
chúng ta vẫn đặt trọng tâm mục tiêu của năm 2014 là kiềm chế, kiểm soát lạm phát lên hàng đầu thì kết quả đạt được sau 3/4 quý với chỉ số lạm phát như vậy là đáng mừng và chúng ta có thể yên tâm với việc kiểm soát lạm phát của năm 2014. Với diễn biến kiểm soát lạm phát như hiện nay chúng ta có thể từng bước chuyển trọng tâm chính sách trên nền tảng đã tạo dựng được ổn định kinh tế vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát suốt từ năm 2012 đến nay. Các yếu tố để chúng ta kiểm soát lạm phát khá bền vững. Về mặt vĩ mô, trước hết, chúng ta có thể chuyển trọng tâm sang kích thích tăng trưởng kinh tế từ giờ đến cuối năm, vì như đã biết trong nửa đầu năm tăng trưởng kinh tế mới đạt hơn 5%, trong khi mục tiêu cả năm là 5,8%. Như vậy, từ nay đến cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8%, nửa cuối năm 2014 dựa trên nền tảng vĩ mô và kiểm soát lạm phát đó thì chúng ta có thể mạnh dạn đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế với liều lượng mạnh hơn để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai,
nếu nhìn vào công cụ vĩ mô như chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ, chúng ta có thể nỗ lực chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi đầu tư, liên quan tới giải ngân vốn đầu tư vì chúng ta có điều kiện thuận lợi từ nay đến cuối năm. Chúng ta mạnh dạn tăng tiền, tăng cung tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Về vĩ mô, rõ ràng khi chúng ta ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn, chi phí vốn sẽ giảm. Các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh với mặt bằng giá cả ổn định cũng sẽ được cải thiện, như vậy chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp khá an tâm. Họ có thể tập trung giảm chi phí sản xuất, tăng cường chất lượng thông qua đầu tư công nghệ. Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về đầu ra, không chỉ trong năm 2014 mà tạo tiền đề cho 2015. Với nền tảng ổn định giúp doanh nghiệp có thể xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi.

Theo nhận định chung, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp lạm phát ở mức thấp, thoát ra khỏi chu kỳ 2 năm cao - một năm thấp trước đây. Vậy theo Ông, tình hình này đã đủ điều kiện để chúng ta hoạch định bước phát triển mới cho nền kinh tế chưa?

Cái gọi là tính chu kỳ đấy để trong ngoặc kép thôi. Còn theo quan sát của tôi, rất khó để nói rằng, nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như lạm phát đã xác lập mang tính chu kỳ hay quy luật. Hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chiến lược dài hạn đến các năm tiếp theo. Vấn đề kiểm soát lạm phát hay ưu tiên tăng trưởng thì chúng ta sẽ xử lý được nếu kế hoạch 5 năm tới và chiến lược dài hạn chúng ta gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng. Nếu chúng ta lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa trên hiệu quả, chất lượng, dựa trên nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm, thì tôi tin rằng, chúng ta tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế sẽ song hành với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chúng ta không phải thấy lại những hệ quả tiêu cực trong giai đoạn trước khi mỗi lần nỗ lực tăng trưởng kinh tế thì nguy cơ lạm phát lại rình rập. Những bài học đó sẽ giúp chúng ta xây dựng và hiện thực hóa mô hình tăng trưởng kinh tế mới trong giai đoạn tới.

Căn cứ vào thực tiễn tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công, có những nội dung gì cần được làm mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, thưa Ông?

 Ba nội dung trọng tâm tái cơ cấu thì mỗi chương trình đều có bước tiến nhất định và cụ thể trong hai năm vừa qua, kể cả ban hành chính sách mới, đưa vào thực hiện và kết quả cụ thể của từng chương trình đó. Các biện pháp tái cơ cấu đã đồng hướng, tạo ra chuyển biến khá tích cực trong nền kinh tế thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu theo chiều sâu, gắn với việc tận dụng cơ hội lạm phát thấp mang lại như mạnh dạn sử dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng. Đầu tư công phải đặt hiệu quả lên hàng đầu, hoạt động tín dụng cũng phải đặt hiệu quả lên hàng đầu thì chúng ta sẽ ngăn ngừa nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Nhưng lớn hơn, cả 3 chương trình tái cơ cấu đó chỉ thành công khi chúng ta đặt trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời với lựa chọn và xây dựng được mô hình tăng trưởng kinh tế mới, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, trong đó có vấn đề kiểm soát lạm phát, có như vậy hiệu quả 3 chương trình đó và phát triển kinh tế mới đạt được một cách bền vững và chắc chắn.

Trong ngắn hạn, diễn biến tình hình kinh tế thế giới hiện nay có gì thuận lợi để chúng ta có thể tranh thủ phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2014 và tạo tiền đề cho 2015, thưa Ông?

Diễn biến kinh tế hiện chưa xác lập xu thế rõ ràng. Một số nền kinh tế đang phục hồi, một số nền kinh tế lớn vẫn gặp khó khăn và có nguy cơ rình rập. Trong bối cảnh đó, các hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, kể cả thương mại, xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá tốt. Trong chuyển biến đó, chúng ta đang hướng tới cam kết mới về kinh tế cũng như có các đối tác mới và tăng cường sâu hơn với đối tác cũ. Bối cảnh kinh tế không hoàn toàn thuận lợi nhưng không hẳn khó khăn.

Như vậy, sự phát triển kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm chủ yếu phụ thuộc vào quyết tâm của chúng ta trong tranh thủ cơ hội về ổn định kinh tế vĩ mô để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,8% như đã đặt ra. Nhưng quan trọng nữa, đó là chúng ta tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. Đây là điều tôi rất kỳ vọng và khi tạo đủ thế và lực, chúng ta có thể đối phó với bất ổn kinh tế trên thế giới, tranh thủ cơ hội khi kinh tế thế giới phục hồi một cách vững chắc.

Xin cám ơn Ông!