Ðón đầu cơ hội xuyên Thái Bình Dương
Theo các chuyên gia, trên nền tảng tiêu chuẩn, chất lượng cao của "phiên bản gốc TPP", các yếu tố mới bổ sung đưa Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trở thành một thỏa thuận đa phương không chỉ thuần túy vấn đề thương mại và thị trường, mà còn tạo động lực thúc đẩy cải cách toàn diện, trong cả vấn đề pháp lý và quản lý. Ðây là mục tiêu bao trùm của một hiệp định thế hệ mới nhất.
Ðối tác toàn diện và tiến bộ
Chỉ hai yếu tố từ ngữ bổ sung cho tên hiệp định phiên bản gốc, là "toàn diện" và "tiến bộ", nhưng thể hiện rõ quyết tâm hồi sinh TPP và nỗ lực thương lượng cam go của cả 11 thành viên tham gia đàm phán thỏa thuận mới. Bởi thế, không đơn giản chỉ là khoác chiếc áo mới cho một thỏa thuận đối tác giữa các thành viên ven bờ Thái Bình Dương, CPTPP ra đời được hoan nghênh là chiến thắng nổi bật và mang tính biểu tượng cao của nỗ lực thúc đẩy thương mại đa phương và chống chủ nghĩa bảo hộ.
Chưa đầy một năm sau khi được ký kết vào tháng 2/2016, TPP (gồm 12 quốc gia thành viên, chiếm tới 40% GDP toàn cầu) đã cận kề bờ vực phá sản, sau quyết định bất ngờ của Tổng thống Ð.Trăm (Donald Trump) rút Mỹ khỏi thỏa thuận đa phương mang kỳ vọng lớn này. Không phủ nhận, việc Mỹ rút lui khiến TPP giảm mạnh tính hấp dẫn. Thiếu Mỹ, TPP-11 chỉ còn chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu; nhiều nước thành viên cạn dần động lực tham gia, do đặt kỳ vọng quá lớn vào thị trường nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quyết tâm lớn nhằm chặn nguy cơ TPP đổ vỡ đã kết nối các nỗ lực của 11 thành viên còn lại, đi đầu là Nhật Bản và Niu Di-lân (New Zealand), hai nước đã phê chuẩn TPP. Thành công vào phút chót tại vòng đàm phán ma-ra-tông trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Ðà Nẵng vừa qua không chỉ hồi sinh, mà còn tạo diện mạo mới, toàn diện và tiến bộ cho TPP.
Tuyên bố chung của các bộ trưởng 11 quốc gia thành viên CPTPP khẳng định, phiên bản mới của thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương là một thỏa thuận toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm nhanh chóng có hiệu lực. Kế thừa các nội dung tiến bộ của phiên bản gốc, CPTPP cơ bản giữ nguyên các tiêu chuẩn cao, tính cân bằng và chặt chẽ của TPP, đồng thời nhấn mạnh tính toàn diện và tiến bộ của phiên bản mới khi bảo đảm các lợi ích, không chỉ thương mại, của tất cả các bên tham gia, bảo toàn các quyền kiểm soát, tính linh hoạt khi đặt ra các ưu tiên về mặt pháp lý và quản lý, cũng như bảo đảm quyền bảo vệ, phát triển và thực thi các chính sách văn hóa riêng của từng thành viên.
Việc CPTPP tạm hoãn thực thi khoảng 20 điều khoản, bổ sung các phụ lục và danh mục những vấn đề cần đàm phán thêm được xem là giải pháp thỏa hiệp, giúp khai thông bế tắc đàm phán và bảo đảm hiệp định sớm đi vào cuộc sống. CPTPP cũng được quy định có hiệu lực ngay sau khi có sáu quốc gia thành viên đầu tiên phê chuẩn. Ðây là thay đổi tích cực so với quy định về hiệu lực của TPP, khi đòi hỏi giá trị GDP của các quốc gia phê chuẩn phải đạt mức 85% tổng GDP của 12 thành viên. Ðây là những yếu tố thuận, được kỳ vọng giúp tiến trình đàm phán tới đây đi đúng quỹ đạo.
Không chỉ là thương mại
Phiên bản mới CPTPP được các bên tham gia khẳng định không đơn thuần chỉ thay đổi tên gọi, hay sự khác biệt về con số thành viên. Ðiểm mới và tích cực nhất đó là sự thống nhất tuyệt đối của các thành viên về nhu cầu duy trì một hiệp định chất lượng cao và toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ là vấn đề mở cửa thị trường, thương mại và kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với cả phiên bản TPP hay CPTPP cơ hội và thách thức luôn song hành; đây đều là các hiệp định thương mại thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao, nên đòi hỏi thực hiện nhiều cải cách, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong quan điểm, cũng như vấn đề pháp lý, hành chính. Nhưng, chính những đòi hỏi này lại tạo động lực phát triển, cả kinh tế và xã hội. Thực tế, các tiêu chuẩn cao liên quan vấn đề thể chế sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, khuôn khổ pháp luật, tính cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh…
Chỉ có thể đánh giá chính xác tác động của CPTPP đối với các nước thành viên cũng như kinh tế và thương mại toàn cầu, sau khi có kết quả đàm phán về 20 điều khoản "treo" nêu trên, trong đó chủ yếu liên quan vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét trên các nội dung kế thừa từ phiên bản gốc, Việt Nam vẫn được xếp vào danh sách các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định mới, đồng thời phải xử lý nhiều thách thức, nhất là về khả năng cạnh tranh.
Ông X.Bếch (Stewart Beck), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Ca-na-đa (Canada) nhận định, CPTPP sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới. Ðà tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Việt Nam có được một phần là kết quả từ việc tiếp cận thị trường toàn cầu, vì thế bất kỳ điều gì giúp giảm hàng rào thương mại đều quan trọng, và CPTPP nhắm tới mục tiêu này.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, CPTPP không có Mỹ có thể là điều thiệt thòi với Việt Nam. Bởi, thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam từng đặt kỳ vọng lớn vào TPP, với những ưu đãi, thuận lợi trong việc làm ăn với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thị trường rộng lớn của CPTPP thực tế vẫn rất quan trọng, trong đó thành viên lớn nhất là Nhật Bản, dù không phải thị trường thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, song có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam…
Việc đạt nhất trí về CPTPP tại Việt Nam là thành công chung của 11 nền kinh tế thành viên, đồng thời mang đậm dấu ấn chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2017. Tuy nhiên, đây mới là khởi đầu cho chặng đường cam go phía trước, đòi hỏi sự thỏa hiệp và cân bằng lợi ích các bên, nhằm cho ra đời một thỏa thuận toàn diện và tiến bộ giữa các đối tác hai bờ Thái Bình Dương.