"OPEC không nhằm vào ai cả”
(Tài chính) Ông Abdalla Salem El Badri khẳng định quyết định của OPEC không nhằm vào Nga, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào. “Đây đơn thuần là một quyết định kinh tế với sự nhất trí của các thành viên”.
Tối qua (21/1), phát biểu trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2015 đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Abdalla Salem El Badri cho rằng OPEC không nhằm vào bất kỳ nước nào khi quyết định không cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tại Vienna hồi tháng 11 năm ngoái.
Với chủ đề “The Geo – economics of enery” (tạm dịch: Yếu tố địa – kinh tế của ngành năng lượng), phiên thảo luận đã diễn ra với một nhóm diễn giả “có một không hai”: Tổng thống Luthiana Dalia Grybauskaite, Phó thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich, Tổng thư ký OPEC Khalid A. Al Falih, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Saudi Aramco Khalid A. Al Falih, Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng của IEA và Claudio Descalzi, CEO tập đoàn Eni (Italy).
Sở dĩ đây là nhóm diễn giả “có một không hai” bởi họ là đại diện cho người tiêu dùng, cho nhà sản xuất năng lượng (cả những nước truyền thống như OPEC hay Nga cho tới nhà sản xuất dầu đá phiến như Eni). Các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về đà giảm của giá dầu trong 6 tháng qua, tìm hiểu nguyên nhân cũng như những ảnh hưởng đến các nước, các nền kinh tế và cả các doanh nghiệp.
Nói về cú lao dốc hơn 50% của giá dầu vừa qua, không thể không nhắc đến cuộc họp quan trọng của OPEC hồi tháng 11 năm ngoái. Trước đó, giá dầu đã rơi và nhiều người vẫn hi vọng OPEC – nhóm hùng mạnh được cho là có khả năng thao túng thị trường dầu mỏ - sẽ can thiệp để giá ngừng rơi bằng cách giảm sản lượng. Tuy nhiên, quyết định của OPEC đã khiến thị trường sửng sốt: không cắt giảm sản lượng.
Lý giải về quyết định này, Tổng thư ký OPEC Abdalla Salem El Badri cho rằng OPEC đã không thay đổi hạn ngạch sản xuất dầu kể từ đầu năm 2009 tới nay và vấn đề nằm ở các nhà sản xuất đã gây ra tình trạng dư cung. “Giá đã giảm rất mạnh. Chúng tôi không biết giá sẽ giảm đến đâu. Nếu OPEC quyết định cắt giảm sản lượng, chúng tôi sẽ phải lặp lại hành động ấy. Trong khi đó vấn đề nằm ở các nhà sản xuất đã bơm dầu ngập thị trường với mức giá quá cao. Chúng tôi quyết định sẽ không làm gì cả và xem xét diễn biến của thị trường’.
“Thị trường sẽ tự điều chỉnh. Mức giá 45 USD/thùng chỉ là tạm thời và giá sẽ hồi phục vào cuối năm”.
Ông Abdalla Salem El Badri khẳng định quyết định của OPEC không nhằm vào Nga, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào. “Đây đơn thuần là một quyết định kinh tế với sự nhất trí của các thành viên”. Tổng thư ký của OPEC chia sẻ ông đã chứng kiến giá dầu rơi mạnh 3 lần và OPEC đều can thiệp,. Tuy nhiên, El Badri nhấn mạnh OPEC sẽ hành động hết sức cẩn trọng đối với cuộc khủng hoảng giá dầu lần này.
Nhận định về giá dầu, CEO của tập đoàn Saudi Aramco chia sẻ ông không hiểu tại sao thị trường lại ngạc nhiên trước đà giảm của giá dầu. Dầu là loại hàng hóa có tính chu kỳ và do đó giá sẽ phải điều chỉnh sau khi tăng quá mạnh. “Chúng tôi đã sớm nhìn ra rằng giá sẽ giảm mạnh”.
Cả hai lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí lớn là Saudi Aramco và Eni đều nhận định đầu tư của ngành dầu khí thế giới sẽ giảm khoảng 13% trong năm tới. Tuy nhiên, không phải giá dầu giảm hoàn toàn chỉ mang đến những tác động tiêu cực cho các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất sẽ điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới, cân nhắc kỹ lưỡng hơn các cơ hội đầu tư, đa dạng hóa hoạt động, kiểm soát tốt hơn chi phí dự án …
Bình luận về những tác động của giá dầu giảm đối với kinh tế Nga, Phó Thủ tướng Nga Dvorkovich lạc quan cho rằng Nga không chỉ là nhà cung cấp năng lượng mà còn là đối tác. Thay vì tập trung vào châu Âu như trong quá khứ, Nga sẽ tập trung vào thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Dù Nga đang trải qua thời kỳ khó khăn vì giá dầu giảm và lệnh cấm vận của phương Tây, đây cũng là cơ hội để Nga đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, đồng ruble giảm giá có lợi cho các nhà nhập khẩu.