PCI bước sang giai đoạn mới
(Tài chính) Sau 9 năm doanh nghiệp được chấm điểm chỉ số Năng lực cạnh tranh của chính quyền cấp tỉnh (PCI), quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã được cải thiện theo từng năm. Dù ngày càng được nhắc tới nhiều, PCI dường như mới là sự so kè chưa chính thức giữa các tỉnh với nhau. Nhưng từ năm nay, điều này sẽ thay đổi khi PCI chính thức được Chính phủ đưa thành tiêu chí để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2006 lần đầu tiên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra đã khiến nhiều chính quyền địa phương thấy bỡ ngỡ. Thậm chí, nhiều chính quyền địa phương thấy phản cảm khi chất lượng điều hành kinh tế, mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình được đánh giá và cho điểm bởi chính các doanh nghiệp sở tại. Nhưng qua từng năm, chính quyền các địa phương đã từng bước hiểu và coi trọng chỉ số này, khi các chỉ số thành phần đã giúp chính quyền địa phương nhận ra điểm mạnh, điểm yếu trong điều hành.
Từ đó, việc sửa đổi và điều chỉnh trong điều hành cho phù hợp đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thái Nguyên xếp hạng 25 thuộc nhóm khá của PCI 2013. Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm cho biết, Ban chỉ đạo của tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai chỉ thị của tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh tiếp tục có giải pháp cụ thể tạo cơ chế, chính sách ưu đãi thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường trao đổi, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Xu thế chung của các tỉnh thành phố trong cả nước những năm gần đây là có Nghị quyết và Ban chỉ đạo nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Một điểm mới đáng chú ý là trong tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 19 quy định về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, lần đầu tiên yêu cầu các địa phương cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đưa định lượng cụ thể. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, Thủ tướng đã đưa mục tiêu cụ thể cho các địa phương trong năm 2014 và 2015 phải đưa PCI lên vị trí của các tỉnh có PCI tốt của năm nay. Đó là sức ép, động lực lớn của các địa phương trong cải cách môi trường kinh doanh của mình.
Qua Nghị quyết 19, Chính phủ không chỉ thể hiện rõ ghi nhận đóng góp và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp, mà còn tạo ra sức ép và động lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Là địa phương xếp hạng 6 và đứng vào nhóm rất tốt trong PCI 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo chia sẻ, việc đưa PCI vào chỉ số cạnh tranh quốc gia là phấn khởi và cạnh tranh giữa các tỉnh sẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới. Chính sách Chính phủ đã rõ, còn lại là quyết tâm chính trị, điều hành và tổ chức của UBND, sở, ngành và doanh nghiệp, tốt thì tạo chuyển biến trong môi trường kinh doanh.
Điều quan trọng hơn, nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương đã coi kết quả PCI hàng năm không phải là đích đến, mà như một cột mốc trên lộ trình đồng hành cùng doanh nghiệp. Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh nhiều năm đứng trong nhóm đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI, thẳng thắn nhìn nhận: đánh giá PCI tạo sức ép lớn cho chính quyền tỉnh để làm việc tốt hơn. Nếu tự bằng lòng thì khó cải thiện tình hình, kể cả ở cấp độ địa phương hay cấp quốc gia.
Như vậy, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không phải là bằng khen kết thúc một năm thi đua, mà đã trở thành hàn thử biểu để đo lường chất lượng điều hành kinh tế địa phương trong cả một quá trình có tính kế thừa và phát huy. Thực tế, những tác động từ nỗ lực cải cách của chính quyền địa phương cũng có độ trễ nhất định, nên không phải lúc nào cũng cho kết quả tức thì, cần có thời gian cho doanh nghiệp cảm nhận và hấp thụ những thay đổi. Đến nay, với sự ghi nhận và chính thức hóa từ Nghị quyết 19 của Chính phủ, chắc chắn chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương.