Phải có thời hạn giải quyết dứt điểm hoặc giải quyết một phần


Sáng 13/9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long  
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long  

Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực

Theo báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu công tác vượt yêu cầu tại Nghị quyết số 96.

Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản; một số loại tội phạm tăng mạnh. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 82,93%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Về công tác của ngành kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2024, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Viện kiểm sát đã trực tiếp hủy bỏ nhiều quyết định của cơ quan điều tra không có căn cứ, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long  
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long  

Song, vẫn còn xảy ra một số trường hợp phải đình chỉ điều tra đối với bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội, liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Các vụ án kinh tế, tham nhũng được xét xử kịp thời, nghiêm minh

Đối với công tác của ngành tòa án năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cho biết, số lượng vụ án thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước. Các tòa án đã xét xử đạt 85,28%. Hình phạt các tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Các Tòa án đã tổ chức phiên tòa trực tuyến 10.670 vụ việc, tăng 1.314 vụ việc; góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết; chống tồn đọng án; tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan Nhà nước và các bên liên quan. Tuy nhiên, nhiều tòa án địa phương chưa được đầu tư đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, năm 2024, hoạt động của Cơ quan Thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng; việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tiếp tục được tăng cường. Chính phủ cũng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thi hành án hành chính, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính ở địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long  
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long  

Số lượng người chấp hành án phạt tù tăng mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế, tăng cường triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ về quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân. Tình hình an ninh, an toàn tại các cơ sở giam giữ được bảo đảm.

Theo Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn. Qua đó đã tiếp tục khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, quyết liệt, không chững lại, không chùng xuống, đã trở thành phong trào, xu thế; tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế như: tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để; kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác ở một số địa phương còn thấp; tổ chức bộ máy ở một số cơ quan, đơn vị còn nhiều tầng nấc, hoạt động chưa thực sự hiệu quả...

Làm rõ những vấn đề mới, nổi bật để đề xuất giải pháp

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đồng thời, cho rằng năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; trong nước, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn nhiều phức tạp, tiếp tục xuất hiện nhiều nguyên nhân, điều kiện mới làm phát sinh tội phạm, các tranh chấp, khiếu kiện và số lượng các bản án, quyết định phải thi hành án đều tăng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, công tác của các Tòa án nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân, các cơ quan của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu tiếp tục được cải thiện so với năm trước. Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với các báo cáo và đánh giá đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh thêm trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận nội dung các báo cáo thẩm tra rất cụ thể, tuy nhiên mới nêu được tình hình và đề xuất một số các kiến nghị như lâu nay đã kiến nghị. Tình hình của từng năm sẽ có những đặc điểm khác nhau, do đó, cần chọn ra những vấn đề nổi lên của năm để tập trung phân tích cho rõ.

“Tất nhiên là phải báo cáo một cách toàn diện, phải thẩm tra một cách toàn diện, nhưng vấn đề gì nổi lên của năm nay khác so với năm trước thì làm rõ để báo cáo, thẩm tra và thống nhất đề xuất giải quyết cho năm sau. Trong kiến nghị nên có các thời hạn, nhất là kiến nghị về các giải pháp thực hiện, còn giải pháp về hoàn thiện thể chế ví dụ như sửa luật, như sửa đổi nghị định, thông tư thì dài hơi hơn, nhưng tổ chức thực hiện thì kiến nghị phải có thời hạn giải quyết dứt điểm hoặc giải quyết một phần”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quan tâm đến kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, trong báo cáo có đánh giá về việc tăng cường công an xã chính quy và triển khai đồng bộ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở đã góp phần giáo dục, quản lý chặt chẽ hơn nhóm các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.

Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung và làm sâu sắc hơn ý nghĩa của việc đưa công an chính quy về các xã góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm sự ấm no, đời sống xã hội của nhân dân.

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phòng chống tham nhũng, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện những biện pháp đã nêu trong báo cáo. Cụ thể là đã triển khai xây dựng phần mềm quản lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo cũng như việc kết nối, phối hợp với các địa phương như thế nào.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, cập nhật đủ số liệu 12 tháng, tính từ 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024 để báo cáo Quốc hội. Trong đó, lưu ý các đề xuất, đề nghị, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp trong việc hoàn thiện, bổ sung nội dung hồ sơ, thông tin, số liệu, làm rõ những vấn đề mới, những vấn đề nổi bật khác với các năm trước.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn