Ngành Tài chính chống tham nhũng, tiêu cực qua thanh, kiểm tra
Cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cả nước, ngành Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm đưa phòng, chống tham nhũng đi vào thực chất.
Thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm
Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua thanh, kiểm tra, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, tập huấn, trao đổi Luật Thanh tra năm 2022 và 02 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng, hoàn thiện quy định về thanh tra.
Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ cho các cán bộ, đơn vị. Cùng với đó, kịp thời xây dựng đề cương, kế hoạch và triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2024. Nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành tài chính, ngân sách của Bộ Tài chính.
Trong giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 50.819 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 549.993 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 9.516 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính 82.167.721 triệu đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm. Qua đó, giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị, đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Trong giai đoạn trên, riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 21 cuộc thanh tra theo kế hoạch; lưu hành 17 kết luận thanh tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính số tiền 33.341.791 triệu đồng, trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 19.758.307 triệu đồng; kiến nghị tài chính khác 13.583.584 triệu đồng; đồng thời ban hành 57 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.664 triệu đồng.
Phòng, chống trong nhiều lĩnh vực
Công tác thanh, kiểm tra đã được ngành Tài chính triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thuế, hải quan, kho bạc. Trong lĩnh vực thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tăng cường triển khai thanh tra, kiểm tra thuế đảm bảo hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt, đồng thời có các biện pháp kiểm soát hoạt động thanh tra, kiểm tra đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch của các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác theo quy định.
Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, điện tử, kinh doanh nền tảng số; tăng cường kiểm tra thuế trong lĩnh vực hóa đơn; thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn thuế để thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao. Ngành Thuế đã tích cực rà soát, kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế và tội phạm về thuế.
Từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, toàn hệ thống thuế đã thực hiện 50.085 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 549.993 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 41.192.926 triệu đồng, ban hành 44.411 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.823.336 triệu đồng.
Trong lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị chủ động thu thập thông tin, bố trí lực lượng để triển khai, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kiểm tra nội bộ theo hình thức chuyên đề, công vụ đột xuất, trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan và hệ thống camera giám sát; đồng thời, tăng cường công tác điều tra chống buôn lậu trên toàn quốc. Qua thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các sai phạm, kiến nghị để thu hồi ngân sách nhà nước đồng thời chấn chỉnh những tồn tại và thiếu sót của cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thanh, kiểm tra trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước cũng được ngành Tài chính chú trọng triển khai. Hệ thống thanh tra, kiểm tra Kho bạc Nhà nước đã khẩn trương tiến hành triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào công tác chi ngân sách nhà nước cho hoạt động thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành...
Trong giai đoạn từ tháng 10/2023 đến tháng 7/2024, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 232 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; đã ban hành 139 kết luận thanh tra. Qua thanh tra phát hiện 55 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền vi phạm là 3.849 triệu đồng, ban hành 27 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 97,1 triệu đồng.
Có thể nói, thanh, kiểm tra đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Để phát huy hiệu quả công tác này, ngành Tài chính xác định tiếp tục đẩy công tác này trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.