Tăng hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ cải cách thủ tục hành chính

Trần Huyền

Coi phòng ngừa, ngăn chặn là chiến lược căn bản, lâu dài trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ngành Tài chính đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch trong giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, giúp tăng hiệu quả phòng ngừa.

Ngành Tài chính chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: internet
Ngành Tài chính chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: internet

Kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính

Để góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý. Qua đó, cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện gắn với việc phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 23 thủ tục hành chính tại 09 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh quản lý theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu khi ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính, từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 11 quyết định công bố bãi bỏ 45 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 51 thủ tục hành chính; công bố mới 15 thủ tục hành chính. Trên cơ sở Quyết định công bố, Bộ Tài chính đã thực hiện công khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định.

Theo Bộ Tài chính, đến ngày 31/7/2024, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 763 thủ tục hành chính. Trong đó, lĩnh vực thuế là 235 thủ tục hành chính; hải quan là 225 thủ tục hành chính; kho bạc là 11 thủ tục hành chính; dự trữ là 7 thủ tục hành chính; chứng khoán là 104 thủ tục hành chính; lĩnh vực tài chính chung là 181 thủ tục hành chính.

Tăng hiệu quả cung cấp dịch vụ công

Để giải quyết thủ tục nhanh gọn, Bộ Tài chính đã triển khai hiệu quả cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính. Lũy kế trong giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính đã tiếp nhận 942 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Bảo hiểm; Kế toán, kiểm toán; Tin học; Giá; Tài chính - Ngân hàng.

Hiện nay, Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Tài chính. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Việc xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng cũng được Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ. Bộ đã vận hành đảm bảo hoạt động ổn định của Hệ thống kết nối chia sẻ Dữ liệu số ngành Tài chính, trục Liên thông văn bản điện tử ngành Tài chính, đã ban hành kế hoạch thuê Dịch vụ nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu dùng chung ngành Tài chính phục vụ Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã triển khai công nghệ điện toán đám mây đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định, sẵn sàng kết nối với điện toán đám mây Chính phủ ngay sau khi Chính phủ triển khai. Từ đó, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Bộ Tài chính theo chủ trương của Chính phủ.

Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, đặt tại chuyên mục Hỏi đáp chính sách tài chính cũng đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức khi có vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tính đến ngày 31/7/2024, các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo đó, tổng số dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 763, trong đó có 347 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 108 dịch vụ công trực tuyến một phần và 308 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Có thể nói, công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, được các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Việc cải cách hiệu quả thủ tục hành chính đã tạo môi trường thuận lợi, minh bạch trong giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, từ đó, đóng góp hữu hiệu vào phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.