Phải coi kinh tế số là “máy cái” thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất

Dũng Tiến

Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Các động lực cho tăng trưởng cao và bền vững kinh tế Việt Nam năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030” do Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 1/4 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Báo cáo tham luận của ông Trần Phong Lãm – Giám đốc Kinh doanh Khối Chính phủ, Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) – tại hội thảo đánh giá rằng nền kinh tế số đã và đang có những bước tiến đáng kể hướng tới tăng trưởng bền vững. Theo dự báo của Tổ chức Kinh tế, Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), GDP kinh tế số toàn cầu dự kiến sẽ đạt khoảng 25% vào năm 2025.

Ngoài ra, theo báo cáo về kinh tế số toàn cầu của Công ty tư vấn và nghiên cứu Forrester, nền kinh tế số toàn cầu dự kiến sẽ đạt khoảng 16.500 tỷ USD vào năm 2028, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 6,9% trong giai đoạn 2023-2028.

Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số trong giai đoạn 2022-2024 đạt trên 20%, cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Phải coi kinh tế số là “máy cái” thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất - Ảnh 1

Mặc dù tiềm năng phát triển còn lớn, nhưng ông Trần Phong Lãm cũng chỉ ra hàng loạt thách thức và rào cản đối với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Trước hết, hạ tầng số chưa đồng bộ và hoàn thiện, khi vẫn thiếu các trung tâm dữ liệu quốc gia quy mô lớn. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý còn nhiều rào cản đối với các mô hình kinh doanh số mới như fintech, blockchain, AI, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số vẫn còn thiếu hụt. Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu mở và phát triển nền tảng số. Ngoài ra, thị trường tài chính và đầu tư cho công nghệ còn hạn chế, đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư.

Từ việc phân tích những hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm từ các quốc gia như Trung Quốc và Singapore, ông Trần Phong Lãm nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và khu vực tư nhân trong thúc đẩy kinh tế số. Tại Trung Quốc, quá trình số hóa trong các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp được Chính phủ hậu thuẫn mạnh mẽ, cùng với sự chuyển đổi đột phá của khu vực tư nhân. Nhờ đó, thương mại điện tử bùng nổ, fintech phát triển vượt bậc với các ứng dụng như Alipay, WeChat Pay, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và tài chính số. Trung Quốc cũng ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và dịch vụ. Trong khi đó, tại Singapore, Chính phủ đầu tư mạnh vào dữ liệu mở và công nghệ cao, tạo lập kho dữ liệu quốc gia, giúp doanh nghiệp khai thác và đổi mới sáng tạo. Việc ứng dụng blockchain và AI vào chính phủ điện tử cũng giúp xử lý thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn.

Nhận định rằng kinh tế số là động lực chiến lược giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, nhóm chuyên gia FPT IS đã đề xuất tám nhóm giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, về hạ tầng số, cần ưu tiên phát triển mạng viễn thông 5G, các trung tâm dữ liệu và hệ thống điện toán đám mây.

Thứ hai, về thể chế, cần sớm hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox) trong thực tiễn, đồng thời bổ sung tiêu chí đánh giá tác động cạnh tranh dựa trên dữ liệu và nền tảng số.

Thứ ba, để phát huy nội lực, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số thông qua các quỹ và nền tảng dùng chung. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số – hay còn gọi là “bình dân học vụ số” – ngay từ giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa khu vực tư nhân, nhà nước và quốc tế để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu chuyên ngành và sàn dữ liệu, ông Trần Phong Lãm cho rằng cần sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia. Điều này bao gồm cơ sở dữ liệu tiêu dùng, dữ liệu tài chính, bảo hiểm, sàn giao dịch việc làm, công chứng số, xử lý vi phạm hành chính và an sinh xã hội.

Đối với sàn dữ liệu, cần xây dựng các dịch vụ trung gian dữ liệu để các tổ chức có thể khai thác và kết nối với đối tác một cách hiệu quả.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sớm xây dựng và ban hành danh mục các nền tảng số quốc gia, nền tảng dùng chung theo ngành, lĩnh vực và vùng. Điều này đảm bảo hệ thống số hoạt động liên thông và thống nhất, chẳng hạn như nền tảng bệnh án điện tử, nền tảng mua sắm tập trung, nền tảng quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, nền tảng giao dịch số trong lĩnh vực mua bán, cho thuê phương tiện giao thông…

Cuối cùng, cần phát triển mạng lưới kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tập trung nguồn lực vào công nghệ chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.