Phải sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư

TS. Phạm Hữu Hồng Thái - Trường Đại học Tài chính – Marketing

(Tài chính) Hiện nay, đang có rất nhiều ý kiến trái chiều do Luật Đầu tư năm 2005 đã có quá nhiều bất cập. Vì vậy, việc chỉnh sửa thế nào để có thể phù hợp với yêu cầu mới là bài toán khó với nhà làm luật, cụ thể là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều hạn chế, bất cập

Luật Đầu tư được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/07/2006, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

Luật Đầu tư năm 2005 được thông qua vào thời điểm kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được những bước tiến dài sau thời gian áp dụng những quy định mang tính, đột phá của Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chuẩn bị trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và tự do hóa hoạt động đầu tư. Có thể việc ban hành Luật Đầu tư năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực thi hành vào cùng một thời điểm (1/7/2006), đánh dấu một chặng đường 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam mới có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

 Những quy định của Luật Đầu tư năm 2005 đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau gần 9 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; cụ thể như sau:

Một là, quá trình tổng kết thi hành Luật cho thấy, lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, ngày 25/9/2006 còn dàn trải, thiếu tính thống nhất và chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các dự án đầu tư với chất lượng và hiệu quả cao hơn, nhất là tập trung nguồn lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư theo quy định của Luật và Nghị định số 108 còn thiếu tính minh bạch, khả thi và đồng bộ, chưa thật sự tạo lập được một bằng pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Các quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết, không phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nói chung và cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương chưa được hoàn thiện kịp thời trong bối cảnh thực hiện chế độ phân cấp cũng gây khó khăn trong hoạt động quản lý đầu tư.

Hai là, nhu cầu vốn đầu tư xã hội để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục tốc độ tăng trưởng hợp lý tăng lên theo thời gian. Trong điều kiện tình hình đất nước đang còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA có thể chỉ ổn định ở mức đã đạt được, thì việc cải thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển là hết sức cần thiết và hiện thực. 

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong đó có Luật Đầu tư, để thích ứng với đòi hỏi cao hơn của quá trình phát triển kinh tế- xã hội cũng như thực hiện cam kết quốc tế về tự do hóa đầu tư và thương mại.

Ba là, Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt từ các nước trên thế giới và trong khu vực, trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, sức cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng, còn nhiều mặt hạn chế. Trong bối cảnh đó, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết và thu được một số kết quả nhất định trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nhưng so với nhiều nước ASEAN, thì hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính của nước ta vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn.

Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh toàn cầu được công bố ngày 29/10/2013, Việt Nam đứng thứ 99/189 nền kinh tế, trong khi Cămpuchia tăng 23 bậc, Indonesia, Philippines tăng 19 bậc. Ngân hàng Thế giới nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi mặc dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Do vậy, để thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, thì bảo đảm tính công khai, minh bạch, ổn định của hệ thống pháp luật phải được ưu tiên nhất hiện nay, trong đó có Luật Đầu tư.

Trong năm 2011, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức rà soát độc lập 16 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã thống nhất kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn nữa cho hoạt động đầu tư.

Cần sửa đổi một cách toàn diện

Trước những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới sâu rộng nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, thì việc phải xây dựng một khung khổ pháp lý thống nhất về đầu tư là rất cần thiết. Nhu cầu này đòi hỏi phải sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư có trở thành cứu cánh cho nền kinh tế không? Trong khi đầu tư công từ vốn ngân sách càng giảm, thì cần mở ra chương mới cho thu hút đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Vì thế, phải sửa luật làm sao để đọc luật lên là người dân muốn bỏ tiền vào đầu tư. Đây là việc mở một cánh cửa mới để cho nhân dân tham gia vào môi trường đầu tư.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Trong một cuộc họp nội bộ về định hướng xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn: “Nếu chỉ loanh quanh giải quyết mấy vướng mắc như mấy năm qua, mà không có tư duy đổi mới, đột phá, thì không cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư làm gì”.

Thực hiện chỉ đạo này, Ban soạn thảo đã đưa những ý tưởng mới, những đề xuất đột phá trong dự thảo Luật lần này. Đáng lưu ý là những đề xuất sau:

- Để đảm bảo tính ổn định, công bằng, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi quy định không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp pháp luật thay đổi, các ưu đãi với nhà đầu tư sẽ được duy trì. Theo đánh giá Ngân hàng Thế giới, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện nhằm tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy và có sức hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, đây là điểm được Ban soạn thảo quan tâm hướng đến đầu tiên.

- Dự thảo đã bỏ nhiều loại dự án phải cấp giấy chứng nhận đầu tư, chỉ giữ lại 4 loại dự án muốn được triển khai thì phải có loại giấy này gồm: dự án đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; dự án thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Quy định này được áp dụng thống nhất cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

- Dự thảo nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế “một cửa” tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo cơ chế này, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự án đầu tư gồm dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư và tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng... Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung thẩm tra, mà không yêu cầu nhà đầu tư phải đến từng cơ quan để thực hiện các thủ tục khác nhau.

- Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi cũng đề ra những quy định nghiêm ngặt hơn để hạn chế mặt trái của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ được giám định để thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu hoặc làm căn cứ xác định giá tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp.

Sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu nhà đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư. Cơ chế phạt này cũng áp dụng với trường hợp không liên lạc được với chủ đầu tư hoặc không tìm được địa điểm mới sau khi bị tước quyền sử dụng đất.

Trường hợp không đủ điều kiện triển khai, nhà đầu tư được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng (3 năm) và phải thông báo cho cơ quan quản lý. Trong trường hợp tạm ngừng vì lý do khách quan, dự án sẽ được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất.

Theo Luật Đầu tư hiện nay, việc thu hồi dự án khi mất liên lạc với chủ đầu tư và giới hạn thời gian tạm ngừng, giãn tiến độ chưa được quy định, khiến nhiều dự án bị bỏ hoang do không còn năng lực triển khai, trong khi điều kiện pháp lý chưa cho phép cơ quan chức năng giải quyết triệt để, giao cho nhà đầu tư khác. Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, các chủ nợ, thanh lý tài sản của doanh nghiệp có chủ đầu tư bỏ trốn.  

- Đối với cơ chế đầu tư ra nước ngoài, dự thảo Luật cũng bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan quản lý ngoại hối.

Tuy nhiên, để dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, theo chúng tôi, Ban soạn thảo cần quan tâm những điểm sau:

Thứ nhất, cần tạo sự tương thích phạm vi điều chỉnh của Luật với nội dung của những điều khoản được quy định trong Luật. Như cái tên của mình, Luật sẽ điều chỉnh tất cả các hoạt động đầu tư nói chung. Thế nhưng, các nội dung trong "ruột" lại có vẻ nghiêng nhiều về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì thế, Ban soạn thảo cần cân đối nội dung giữa 2 lĩnh vực đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, cần làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật khác có liên quan, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình đồng thời cùng với Luật Đầu tư sửa đổi.

Thứ hai, cần làm rõ hơn khái niệm nhà đầu tư nước ngoài. Việc xác định nhà đầu tư nước ngoài là cơ sở quan trọng để áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế. Song, Đây là một vướng mắc đã tồn tại 8 năm qua, là một điểm trừ rất lớn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù, dự thảo Luật quy định khái niệm nhà đầu tư nước ngoài dựa vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập, tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa thể khắc phục được những bất cập đã tồn tại trong thời gian qua. Theo chúng tôi, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể về tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài để được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể sử dụng định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế  (OECD) để xác định nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp có vốn FDI là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 10% cổ phần thông thường, hoặc quyền biểu quyết.

Thứ ba, cần làm rõ cơ chế ưu đãi, tạo sự nhất quán giữa các văn bản luật, đặc biệt là với các luật thuế. Trong dự thảo lần này, Ban soạn thảo đề xuất tiếp tục mở rộng, khuyến khích đầu tư với các dự án: sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, nuôi trồng, lâm, ngư nghiệp, các dự án phát triển giáo dục, đào tạo, y tế… Song, quy định về ưu đãi vẫn còn chưa rõ ràng, thiếu sự nhất quán với các luật khác. Vì thế, cần làm rõ các cơ chế ưu đãi theo các mức: ưu tiên hàng đầu, ưu tiên, bình thường để tạo sự thống nhất, minh bạch trong đầu tư. Bên cạnh đó, cần xác định các ngành nghề hạn chế đầu tư để tránh ảnh hưởng tới thị trường trong nước cũng như lợi ích quốc gia.
____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2014). Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Đầu tư, truy cập từ http://www.mpi.gov.vn/portal/page/portal/bkhdt/968926#1,5483

2. Trí Dũng (2014). Sửa Luật Đầu tư: Thế nào?, truy cập từ kinhtevadubao.com.vn/chinh-sach-đầu-tư/sua-luat-dau-tu-the-nao-1942.html