Phân biệt giải thể và phá sản của doanh nghiệp
(Tài chính) Giải thể và phá sản đều là hai hình thức chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, thủ tục giải quyết, hệ quả pháp lý và nguyên nhân dẫn đến một trong hai trường hợp này có nhiều điểm khác biệt.
Nguyên nhân nào dẫn đến giải thể doanh nghiệp?
Theo Luật Doanh nghiệp 2005, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giải thể doanh nghiệp như:
(i) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
(ii) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
(iii) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 6 tháng liên tục;
(iv) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, cần lưu ý doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Trong khi đó, doanh nghiệp bị Tòa án có thẩm quyền tuyên bố phá sản theo thủ tục luật định khi không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và khi chủ nợ có yêu cầu.
Thủ tục giải quyết như thế nào?
Khi giải thể, doanh nghiệp phải ban hành quyết định bằng văn bản có đầy đủ nội dung luật định và phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh để xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy này.
Đối với trường hợp phá sản, khi nhận thấy doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, các chủ nợ, người lao động có quyền và/hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp. Khi có căn cứ chứng minh doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, Toà án sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản và thông báo đến doanh nghiệp, chủ nợ, con nợ của doanh nghiệp và đăng trên báo địa phương, báo trung ương.
Tùy tình hình thực tế của doanh nghiệp mà Tòa án có thể quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp hoặc có thể bỏ qua giai đoạn này nếu doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi hoặc không cần thiết và chuyển sang giai đoạn thanh lý tài sản. Việc phân chia tài sản của doanh nghiệp theo thứ tự sau: phí phá sản; nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội; nợ không có bảo đảm.
Sau khi phân chia, giá trị tài sản còn lại sẽ thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân; các thành viên; các cổ đông của công ty. Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản sau khi áp dụng đầy đủ hoặc một phần các thủ tục phá sản như nêu trên.
Hậu quả pháp lý và quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp khác
Trong khi giải thể là sự chấm dứt hoàn toàn của một doanh nghiệp, phá sản đôi khi không làm chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp nếu sau khi nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, doanh nghiệp vẫn có thể phục hồi hoạt động kinh doanh.
Về quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp khác, chủ doanh nghiệp bị giải thể có thể tiếp tục thành lập và quản lý một doanh nghiệp khác sau khi thực hiện xong những nghĩa vụ tài sản của mình.
Ngược lại, cả chủ doanh nghiệp và người quản lý của doanh nghiệp bị phá sản đều bị pháp luật cấm thành lập và quản lý một doanh nghiệp mới trong thời hạn từ 1 đến 3 năm, trừ trường hợp phá sản do những trường hợp bất khả kháng, ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp; ví dụ: hỏa hoạn, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, bạo loạn, đình công, khủng hoảng kinh tế, chính sách pháp luật của nhà nước thay đổi hoặc nhà nước nơi doanh nghiệp hợp tác kinh doanh thay đổi chính sách của họ,… dẫn đến doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, không thể tiếp tục duy trì hoạt động và buộc tiến hành làm thủ tục phá sản.