Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô
Sáng 14/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy, thể hiện sự phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho TP. Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để thể phát huy hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù là Thủ đô của cả nước.
Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều.
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP. Hà Nội, quận, thị xã, Thành phố thuộc Thành phố và UBND phường.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của cả nước.
Đồng thời, dự luật cũng xác định Thường trực HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách và có không quá 11 thành viên (dự thảo luật trình Quốc hội trước đó quy định không quá 9 thành viên), số lượng thành viên cụ thể do HĐND Thành phố quyết định…
Đặc biệt, dự luật còn phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND Thành phố quyết định và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất một số vấn đề cấp bách để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, về các nội dung phân quyền cho TP. Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền TP. Hà Nội trong một số lĩnh vực.
Cụ thể, dự thảo luật giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố.
Cùng với đó, phân quyền cho UBND Thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều. Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập.
Thêm vào đó, dự thảo luật phân quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND Thành phố cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập; Phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND Thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài.
Đặc biệt, theo Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo lần này phân quyền HĐND Thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỷ đồng (bao gồm một số dự án đang thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ).