Phân cấp triệt để gắn với kiểm tra, kiểm soát trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Trần Huyền

Trao đổi về giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cần phân cấp triệt để, rõ ràng về vấn đề này gắn với kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Tổ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp Tổ.

430 tỷ đồng ngân sách trung ương khắc phục hậu quả bão số 3

Thảo luận tại Tổ 6 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, mặc dù trong năm vừa qua có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, đặc biệt là của Chính phủ và toàn hệ thống chính trị, các chỉ tiêu phát triển đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, 14/15 chỉ tiêu đạt và một chỉ tiêu gần đạt.

"Chúng tôi đánh giá cao và rất khâm phục việc điều hành của Chính phủ thời gian qua, góp phần phát triển đất nước, đặc biệt đây là năm mà chúng ta gần kết thúc nhiệm kỳ", đại biểu nhấn mạnh.

Phát biểu tại Tổ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khái quát những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 tương đối sáng, tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, CPI 3,8%, thu ngân sách nhà nước đến nay đã đạt trên 90% dự toán, đến hết quý III/2024 đạt 85% dự toán, tăng thu 17,9% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút FDI cũng tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống; chỉ số hạnh phúc Việt Nam tăng 11 bậc, đứng thứ 54/143 quốc gia...

Đặc biệt, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, Chính phủ và các địa phương đã rất quyết liệt trong việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Theo đó, huy động được nguồn lực xã hội 2,15 nghìn tỷ đồng, Chính phủ hỗ trợ 432 tấn gạo và 430 tỷ đồng ngân sách trung ương khắc phục cho bão số 3. Ngoài ra, các địa phương còn nỗ lực đảm bảo các nguồn lực để khắc phục hậu quả của bão.

Tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương

Thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Chính phủ quan tâm về giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia. Theo Đại biểu, việc giải ngân nguồn vốn này còn chậm, như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tính đến tháng 8/2024 mới giải ngân đạt khoảng là 52%, chương trình giảm nghèo khoảng 51%, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 53%. Tính cả ba chương trình ước giải ngân khoảng 47%. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan đầu mối, cần có điều chỉnh cho kịp thời, đặc biệt là sau khi chịu tác động của bão số 3.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chỉ đạt khoảng 42%. Trước yêu cầu đặt ra là lấy đầu tư công là làm nguồn "vốn mồi" cho đầu tư tư nhân, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Đầu tư công, xây dựng Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư, Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính để thúc đẩy phát triển, giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Đối với giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ giải ngân các chương trình này còn thấp do có sự lúng túng trong quá trình thực hiện ngay từ khâu giao vốn, liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền... Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần phân cấp triệt để, rõ ràng về vấn đề này, ví dụ khoản nào mà thuộc tỉnh thì phân về tỉnh để Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành nhưng vẫn có sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết thêm, việc xác định chi thường xuyên hay chi đầu tư cho các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị và cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng cũng là vấn đề ách tắc trong quá trình thực hiện thời gian qua. Do đó, để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, Chính phủ đã xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, địa phương và ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Nghị định này đã hướng dẫn cụ thể việc xác định chi thường xuyên cho các nhiệm vụ này.

Thống nhất cao với ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) cho hay, thực tế tại địa phương cho thấy, giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia thấp do khi xây dựng chương trình, các tiểu dự án, các hạng mục của dự án chưa sát với thực tế. Bên cạnh đó, còn có vướng mắc về phân cấp, phân quyền còn chồng chéo, chưa phân cấp đầy đủ, nhất là vướng trong việc điều chuyển nguồn rồi để phù hợp với yêu cầu của địa phương. Do đó, Đại biểu đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền để địa phương để chủ động phân bổ kinh phí theo thẩm quyền.