Phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp

Hà Anh

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp (DN); Khu vực DN đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu…

Phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm tăng 10% số lượng DN được xếp vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
Phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm tăng 10% số lượng DN được xếp vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

Đó là mục tiêu Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Phấn đấu 8.000 - 10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN

Nghị quyết nêu rõ, thời gian qua, dịch COVID-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…

Cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng DN, hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua đã có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.

Khu vực DN vẫn đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Niềm tin của các nhà đầu tư và DN tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.

Mặc dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột quân sự Nga - Ucraina có thể kéo dài; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia có khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn...

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới... đang đặt ra yêu cầu cho các DN Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát là hỗ trợ và phát triển DN chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu DN; 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN; Khu vực DN đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Khoảng 35-40% tổng số DN có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. 100% cơ sở kinh doanh bao gồm DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.

Mỗi năm tăng 10% số lượng DN được xếp vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới…

Hỗ trợ DN chủ động thích ứng với tình hình mới

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Trong ngắn hạn, cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với đó, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Tập trung hỗ trợ DN tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn trên, Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ trung và dài hạn. Đó là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN.

Đồng thời, hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài các nội dung trên, Nghị quyết cũng xác định cần tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Nghị quyết số 58/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày 21/4/2023 và thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.