Phấn đấu GDP cả năm 2020 đạt khoảng 2,5%


Dịch Covid-19 trở thành lực cản đà tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Tuy không rơi vào tăng trưởng âm như một số nước, song năm nay, khả năng GDP rất khó đạt mức kỳ vọng đề ra. Thậm chí, dự báo, tăng trưởng cả năm chỉ đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng âm 4,9%, trong khi 2 tháng trước dự báo chỉ âm 3%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều sụt giảm sản lượng nghiêm trọng, như Hoa Kỳ có thể âm 8%, khu vực Euro âm 10,2%... Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, dường như năm 2020, mục tiêu cao nhất của hầu hết các nước có lẽ là chống suy thoái hoặc cố gắng duy trì mức tăng trưởng dương.

Khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng cao 15,3%; nhập khẩu đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Không nằm ngoài vòng xoáy đó, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, trở thành mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, có thể coi đây là một thành công nổi bật của Việt Nam. Không những vậy, theo một số chuyên gia kinh tế, nếu lấy kinh tế thế giới làm “hệ quy chiếu”, thì tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một điều đáng mong đợi đối với nhiều nước.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, trong bối cảnh rất khó khăn, song nền kinh tế nước ta không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những thách thức phía trước.

Trong 8 tháng, tình hình vẫn chưa hết khó khăn do dịch Covid-19 phát trở lại tại một số địa phương. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2020, sản xuất công nghiệp  tiếp tục đối mặt với khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Tính chung 8 tháng năm 2020, cả nước có 88,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước với vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 13,8 tỷ đồng, tăng 8,7%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%.

Điểm đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng cao 15,3%; nhập khẩu đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD.

Với mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế như Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng… Có thể khẳng định, đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ các giải pháp trên nhiều khía cạnh, từ tiền tệ đến tài khóa, từ tín dụng đến đầu tư, từ thúc đẩy kinh tế đến bảo đảm đời sống người dân… Với đồng bộ các giải pháp đó, Chính phủ hy vọng, cả năm 2020 tăng trưởng GDP của nước ta đạt khoảng 2%, đồng thời, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.