Phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%
Kết luận phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 vào chiều ngày 5/5, Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%.
Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam
Đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ, gián đoạn rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh tế và hoạt động xã hội tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, các chỉ số cơ bản của kinh tế thế giới đều diễn biến rất xấu: thất nghiệp tăng cao, giá hàng nguyên liệu lao dốc, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020.
Chính phủ quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trong bối cảnh đó, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020, khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh nhằm giãn cách xã hội trong vòng 3 tuần lễ của tháng 4/2020. Những ảnh hưởng cụ thể như:
Thứ nhất, CPI tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước, tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 4,9% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ.
Thứ hai, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn; tái đàn lợn còn chậm; hầu hết các sản phẩm đều giảm hoặc tăng thấp như đàn trâu -2%, đàn lợn -13,2%, cây lâm nghiệp trồng phân tán -0,6%, sản lượng gỗ khai thác -0,2%, sản lượng củi khai thác -1,3%, sản lượng thủy sản tăng 0,3%, sản lượng nuôi trồng -0,1%, sản lượng khai thác tăng 0,8%.
Thứ ba, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 10,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (ngành chế biến, chế tạo tăng 3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%; ngành khai khoáng giảm 6,8%).
Thứ tư, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%).
Thứ năm, 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.
- Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4/2020 tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất so giai đoạn 2016-2020. Vốn FDI thực hiện 4 tháng giảm 9,6%. Duy nhất có một điểm sáng là vốn đầu tư thực hiện 4 tháng từ NSNN tăng 12,9%.
Thứ sáu, xuất nhập khẩu hàng hóa có lẽ là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%; trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%. Xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, tình hình đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng chống dịch; đồng thời quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra, với tinh thần "khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba"; phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch.
Thủ tướng nêu rõ, phải đạt được mục tiêu kép trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải phấn đấu đạt cao hơn mức dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay (cao nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 2,7%).
Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý sớm nghiên cứu và triển khai kế hoạch phục hồi phát triển KTXH phù hợp với diễn biến của dịch trong và ngoài nước, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân, bảo vệ quyền lợi người nông dân và bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phù hợp, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế, vay trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác, kể cả từ dự trữ ngoại hối để bổ sung nguồn lực cho NSNN trong trường hợp cần thiết. Báo cáo Quốc hội, Chính phủ quyết định việc giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, lưu ý miễn giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công, dịch vụ vận tải, logistics… Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí.
"Thành công hay thất bại trong tăng trưởng kinh tế năm 2020 phụ thuộc nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các cơ quan Trung ương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch được giao và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới, khi các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực, trong đó có Việt Nam là điểm đến thuận lợi.
Sớm xây dựng tổng thể các chính sách du lịch tạo điều kiện thông thoáng nhất cho khách quốc tế khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế. Có phương án phát triển du lịch trong nước, nhưng phải bảo đảm chống dịch.
Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19… Nghiên cứu, kiến nghị sớm những chính sách pháp luật nhằm sớm tái khởi động, khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ đời sống người dân trong thời gian dịch bệnh và sau khi kết thúc dịch bệnh. Quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính; cắt, giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất, hiệu lực, hiệu quả…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.
"Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Việc này cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới" - Thủ tướng lưu ý.
Với tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.