Ngân sách nhà nước có thể tiếp tục phải tăng chi để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua 4 tháng đầu năm (tính đến ngày 15/4/2020), ngân sách nhà nước (NSNN) ghi nhận bội thu 18,7 nghìn tỷ đồng.
Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù tình hình thu NSNN trong 15 ngày đầu tháng 4/2020 có sự giảm mạnh so với cùng kỳ tháng trước, tính tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2020 ước tính đạt 427,2 nghìn tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán năm.
Trong đó, thu nội địa đạt 351,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,8%; thu từ dầu thô 17,3 nghìn tỷ đồng, bằng 49,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 58 nghìn tỷ đồng, bằng 27,9%.
Tạp chí The Economist vừa công bố bảng xếp hạng "sức khỏe" tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 70,5 nghìn tỷ đồng, bằng 26%; thu thuế thu nhập cá nhân 41,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 14,1 nghìn tỷ đồng, bằng 20,9%; thu tiền sử dụng đất 38,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2%.
Về chi NSNN cơ bản bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/4/2020 ước tính đạt 408,5 nghìn tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 291,6 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%; chi đầu tư phát triển 76,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16,3%; chi trả nợ lãi 38,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7%. Như vậy, ước tính qua 4 tháng đầu năm, NSNN ghi nhận bội thu 18,7 nghìn tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, có nhiều yếu tố làm giảm thu, tăng chi. Cụ thể, trước tác động của tình hình dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh các gói hỗ trợ trị giá gần 220.000 tỷ đồng, việc chi NSNN cho các hoạt động phòng, chống dịch cũng được tăng cường.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Tài chính, NSNN hiện đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, dành khoảng 6.700 tỷ đồng để chi chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly.
Ngoài ra, NSNN cũng ưu tiên bố trí khoảng 36.000 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
Dự kiến, trong thời gian tới, có thể tiếp tục phải tăng chi thêm để đáp ứng yêu cầu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Về thu NSNN, dự báo có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi NSNN. Trong đó, kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện tốt việc này, riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỷ đồng.