Kinh tế Việt Nam năm 2015:

Phấn đấu vượt chỉ tiêu tăng trưởng, tạo tiền đề cho những năm tới

PV.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, từ nay đến hết năm 2015 đòi hỏi phải nỗ lực cao nhất, phát huy thành tích, khắc phục yếu kém để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2015.

10 tháng đầu năm,  kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: internet
10 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: internet

Kinh tế chuyển biến tích cực

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015 mới đây, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động và được kiểm soát ở mức thấp; khu vực công nghiệp-xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao đã đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng… Các thành viên Chính phủ cũng thống nhất rằng với đà phục hồi như hiện nay, tốc độ tăng GDP cả năm có thể đạt trên 6,5%...

Cùng chung nhận định này, Báo cáo kinh tế công bố ngày 29/10 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định, trong 10 tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát sau nhiều tháng giảm nay đã tăng nhẹ trở lại (dự kiến cuối năm tăng dưới 2%). Tín dụng tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,6 tỷ USD, giảm 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95 tỷ USD, tăng 14,3%.

Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, cả năm có thể đạt 19-20 tỷ USD, xuất hiện làn sóng đầu tư của Trung Quốc đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2015, thu hút và giải ngân FDI đều tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đến tháng 10 đạt 19,29 tỷ USD (tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2014). Vốn FDI thực hiện cũng tăng mạnh ở mức 16,3% so với cùng kỳ năm 2014 (ước tính đạt 11,8 tỷ USD)…

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, thị trường cổ phiếu niêm yết lấy lại đà hồi phục tích cực trong tháng 10, thị trường phản ứng tích cực với các thông tin hoàn thành đàm phán TPP, tăng trưởng GDP quý II, kết quả kinh doanh quý III tích cực của công ty niêm yết và định hướng thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn trong danh mục nắm giữ của SCIC.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ bởi sự ổn định và hồi phục trở lại của thị trường tài chính và chứng khoán toàn cầu. Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/10/2015: Chỉ số Vn-Index đạt mức 601,74 điểm tăng 10,2% so với cuối năm 2014 (ngày 31/12/2014); mức vốn hoá toàn thị trường là khoảng 1,33 triệu tỷ đồng (ước đạt 34% GDP năm 2014), tăng gần 8% so với tháng 9/2015.

Trong thời gian qua, các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế (WB, IMF, ADB) đều có nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó dự báo sẽ tăng trưởng GDP đạt trên 6,5% vào năm 2015 và khoảng 6,6-6,7% vào năm 2016.

Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt từ sau Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 29/9 cho thấy, GCI của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp ở vị trí 56/140 nền kinh tế được WEF khảo sát năm nay. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất.

Mới đây nhất, ngày 28/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng công bố báo cáo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016 (Doing Business 2016). Kết quả, năm 2015 Việt Nam tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước, ở vị trí thứ 93. Còn Doing Business 2016 ở vị trí 90, tăng 3 bậc. Cụ thể, Việt Nam có 5 chỉ số tăng hạng nhẹ so với năm ngoái. Chỉ số về khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, từ thứ hạng 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119; Chỉ số về nộp thuế tăng 4 bậc, từ mức 172 trong Doing Business 2015 lên mức 168 trong xếp hạng Doing Business 2016…

Dồn sức 2 tháng cuối!

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, những tháng còn lại của năm 2015 nhiều khả năng không có biến động lớn, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, tăng trưởng tiếp tục hướng tới mục tiêu cả năm là 6,5% như dự báo trước đây. Lãi suất, tỉ giá có thể tiếp tục duy trì ổn định.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo có xu hướng chậm lại do kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm và do cơ cấu kinh tế trong nước chậm được cải cách, chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng, trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ ngày càng bị thu hẹp, khó có thể thực thi chính sách kích thích kinh tế.

Bên cạnh đó, việc giá dầu thô và giá xuất khẩu nông sản giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nước ta, nhất là ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước; Thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn còn những hạn chế nhất định; khu vực nông nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt và những áp lực cạnh tranh về thị trường và giá cả xuất khẩu ngày càng gay gắt…

Trong khi đó, trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2015, ngày 29/10, Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều khuyến nghị quan trọng. Theo đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn đã có phục hồi nhưng không đồng đều, Chính phủ cần bám sát diễn biến tình hình thế giới để kịp thời chỉ đạo, điều hành thận trọng, hợp lý trước tình hình có thể diễn biến phức tạp, khó lường.

Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng cũng cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nên chỉ phấn đấu ở mức khiêm tốn, vừa phải, phù hợp với diễn biến tình hình thế giới rất phức tạp và khó lường như hiện nay. Trong đó, rất cần chú trọng tới chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn, tạo điều kiện cho cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của các Hiệp định FTA mới hoàn tất đàm phán và sớm được thực hiện.

Các chuyên gia cũng đưa ra các kiến nghị trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới như: Chuẩn bị các phương án trung hạn về điều chỉnh tỷ giá cho khớp với các tình huống chính sách lãi suất, tỷ giá của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc; Tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh sản xuất vẫn còn khó khăn và cạnh tranh thêm gay gắt theo các thỏa thuận FTA “thế hệ mới”; Đưa ra giải pháp đồng bộ từ các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với vấn đề ngân sách và nợ công…

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia kiến nghị chính sách vĩ mô những tháng cuối năm và năm 2016 cần tập trung ưu tiên cho hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trong nước.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “2 tháng cuối năm, chúng ta cần nỗ lực cao nhất, việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015”. Theo đó, về điều hành kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2015 cần chú trọng các giải pháp sau:

- Tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra.

- Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

- Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉgiá. Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng với cơ cấu tín dụng hợp lý và khả năng huy động vốn. Tiếp tục kiểm soát và xử lý tốt nợ xấu.

- Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh phát triển sản xuất và năng lực cung ứng của các doanh nghiệp trong nước.

- Làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng.

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp; kiểm soát chặt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với việc xây dựng chính phủ điện tử. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

- Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt.

- Thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; phát triển mạnh hình thức chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; chuẩn bị tốt nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm.