Phân khúc đầu tư nào là cốt lõi trong thị trường bất động sản hậu suy thoái?

Theo Trang Minh/vnbusiness.vn

Đối với thị trường mới nổi như Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá nhanh, tăng trưởng thu nhập, ổn định về chính trị sẽ thúc đẩy phân khúc bất động sản (BĐS) chăm sóc sức khoẻ, khoa học đời sống, dân cư và thậm chí cả giáo dục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các nhà kinh tế và nghiên cứu BĐS thường sử dụng dữ liệu từ những biến động thị trường trong giai đoạn khủng hoảng trước đó để đưa ra nhận định về triển vọng thị trường tương lai.

Theo ông Troy Griffths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, triển vọng thị trường lần này cần nhìn nhận dưới cả hai góc độ. Bởi, các yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng lần này là chưa từng có tiền lệ và vấn đề chính của thị trường trong 5 năm tới vẫn sẽ là sự suy thoái gây ra bởi Covid-19.

Nhưng việc nhìn lại xu hướng phổ biến xuất phát từ các cuộc suy thoái trước đó vẫn có thể định hướng tốt hơn để dự đoán sự phát triển của thị trường sau khủng hoảng lần này.

Suy thoái có thể được nhận ra trong nhiều lĩnh vực, đơn cử như sự nhảy vọt về giá vàng, sự tăng giá của những cổ phiếu hưởng lợi từ Covid-19 hay sự chuyển dịch đầu tư vào các BĐS cốt lõi, ít rủi ro với khả năng sinh lời ổn định.

Năm 2021 đã ghi nhận về sự chuyển dịch đầu tư này, với 71% thương vụ đầu tư BĐS trên toàn cầu trong 3 tháng đầu năm tập trung vào các sản phẩm đầu tư cốt lõi, tạo thu nhập ổn định và ít rủi ro.

Đặc biệt, sau 3 cuộc suy thoái gần nhất, có thể chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ trong vốn đầu tư toàn cầu vào các BĐS cốt lõi như toà nhà văn phòng khu vực trung tâm và nhà ở cho nhiều hộ gia đình,  là những lĩnh vực luôn được coi là có rủi ro đầu tư thấp hơn trong thời điểm bất ổn.

Ngoài ra, dòng tiền cũng có xu hướng ra khỏi các lĩnh vực khác, với rủi ro về dư thừa nguồn cung, đặc biệt là phân khúc thường dễ bị tác động như BĐS bán lẻ.

Ông James Lock, Giám đốc Điều hành BĐS tại Savills Blackstone cho biết, đại dịch và cuộc khủng hoảng lần này đã thúc đẩy sự bùng nổ của một số xu hướng sẵn có trước đó, đơn cử như chuyển hướng đầu tư từ bán lẻ tại cửa hàng truyền thống sang các dịch vụ hậu cần hay việc phát triển không gian làm việc tập trung vào sức khoẻ tinh thần và thể chất người lao động.

Điều này đã thúc đẩy một số lĩnh vực của thị trường BĐS trở thành phân khúc đầu tư sinh lời cốt lõi và ít rủi ro, với số lượng lớn đầu tư BĐS năm 2021 tập trung vào các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, khoa học đời sống, dân cư.

Còn ông Andy Allen, Trưởng bộ phận Chiến lược và Phát triển tại Savills Anh cho rằng, thường các nhà đầu tư khá chậm trong việc nhận ra các xu hướng hậu suy thoái, và trở nên thận trọng trước các tín hiệu phục hồi. Nhà đầu tư an toàn sẽ tiếp tục hướng đến các loại hình BĐS sinh lời ít rủi ro, trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ có chiến lược phân bổ vào các phân khúc như nhà ở, khách sạn, nhà ở sinh viên và BĐS công nghiệp.

Kịch bản phát triển tiếp theo sẽ khá dễ dự báo khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư tập trung vào các BĐS ít rủi ro thì giá sẽ bắt đầu tăng và lợi nhuận đồng thời giảm xuống. Nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra rằng các tài sản cốt lõi ít rủi ro khi đầu tư sẽ có hiệu suất sinh lời thấp, và khi các nền kinh tế phục hồi, sức hấp dẫn của các tài sản có lợi nhuận cao hơn sẽ tạo ra rủi ro đối với các loại tài sản này.

Theo ông Bill Page, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường BĐS, Savills Anh, cuộc suy thoái lần này sẽ khác biệt so với trước đây. Về lý thuyết, BĐS được xem là tài sản đảm bảo gia tăng giá trị đầu tư hơn là các loại tài sản khác.

Tuy nhiên, hiện khoảng cách giữa thu nhập và nợ cần trả đang là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư sẽ cần một chiến lược đầu tư rõ ràng cho BĐS và các loại tài sản khác thay vì đi theo một làn sóng phục hồi chung.

Vào đầu năm 2021, một số nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu các văn phòng khu trung tâm có là phân khúc đầu tư cốt lõi tương tự như sau các cuộc khủng hoảng trước đó hay không? Trả lời cho câu hỏi này sẽ chỉ được tìm thấy khi các lệnh giãn cách trên toàn cầu được loại bỏ hoàn toàn. Tuy vậy, phân khúc này hiện nay vẫn nhận được khoản đầu tư lớn nhất và tính thanh khoản cao.

Ông Richard Spencer, đối tác Đầu tư BĐS tại Goldman Sachs Asset Management cho biết thêm, trong lĩnh vực văn phòng, khách thuê và nhà đầu tư sẽ quan tâm tới những tòa nhà chất lượng cao, mang lại hiệu quả môi trường, kết nối kỹ thuật số và chăm chút cho trải nghiệm của nhân viên.

Các hoạt động của thị trường BĐS thường yên tĩnh nhất trong thời kỳ hậu suy thoái và sau đó sẽ bùng phát trở lại mạnh mẽ hơn, khi được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu dành cho các không gian có chất lượng tốt hơn cũng như các nhu cầu tái sử dụng các loại tài sản thừa cung trong thời kỳ suy thoái.

Ông Troy Griffths cho rằng, đối với các thị trường đã phát triển, việc nhìn lại các xu hướng xảy ra trong quá khứ trong khủng hoảng là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam, sẽ có nhiều đòn bẩy cho các hoạt động kinh tế hơn, bởi cung và cầu tại đây vẫn chưa giữ được ở mức ổn định nhất định.

“Với lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá nhanh, tăng trưởng thu nhập, ổn định chính trị và sự phát triển cơ cấu của các loại tài sản, Việt Nam đang hưởng lợi từ chu kỳ đầu tư lần này, đặc biệt trong các phân khúc BĐS chăm sóc sức khoẻ, khoa học đời sống, dân cư và thậm chí cả giáo dục”, ông Troy Griffths nói.