Phần lớn doanh nghiêp được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn lộ trình

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Ông Nguyễn Văn Phụng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, cần nhìn nhận một cách công bằng về mục tiêu kép khi lộ trình giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trùng với thời điểm khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN). Bởi không phải kinh tế khó khăn mới giảm thuế mà việc sửa Luật lần này liên quan đến các chương trình trung và dài hạn trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế của Chính phủ.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%, đồng thời điều chỉnh giảm mức thuế suất từ 25% xuống còn 20% áp dụng đối với DN có quy mô nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng). Nhiều ý kiến đề nghị nên giảm về một mức thuế suất là 20%. Ý kiến của ông như thế nào?

Phần lớn doanh nghiêp được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn lộ trình - Ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Phụng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính
Nếu là DN, tôi cũng có đề xuất giống như nhiều người khác là đưa thuế suất về mức 20%, nhưng ngược lại nếu ở vị trí quản lý Nhà nước, tôi cũng phải đề nghị cần có sự chia sẻ vì vừa phải lo cho an sinh xã hội, vừa phải lo rất nhiều khoản chi tiêu trong điều kiện kinh tế khó khăn. Nếu cứ hạ thuế thì cân đối vào nguồn nào. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không giảm thuế suất. Việc điều chỉnh giảm thuế đã được đặt ra trong lộ trình của Chiến lược Cải cách hệ thống thuế  đến năm 2020.

Với mỗi một phần trăm (%) thuế suất giảm xuống thì ngân sách giảm 6.032 tỷ đồng. Như vậy, ai cũng có thể thấy nếu đồng loạt hạ xuống 20% thì chúng ta sẽ mất khoảng trên 30.000 tỷ đồng. Chính vì vậy trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, của các nhà nghiên cứu cũng như của các cơ quan quản lý Nhà nước và đi đến thống nhất là cần thiết chúng ta phải cho những DN có điều kiện khó khăn hơn cả, những DN dễ bị tổn thương nhưng lo được nhiều việc làm cho xã hội “đi trước” hưởng thuế suất 20%. Số này chiếm khoảng gần 88% tổng số DN trong phạm vi cả nước, quy mô nhỏ nhưng số lượng đông. Như vậy số DN được áp dụng thuế suất thấp hơn theo lộ trình chiếm khá cao.

Nhưng giảm thuế cũng là tốt cho DN, cho xã hội vì tiền thuế đó được đầu tư và cho tiêu dùng, Nhà nước sẽ thu thêm vào vòng sau? 

Đúng là về mặt kinh tế, khi giảm thuế, lợi nhuận của DN để lại được nhiều hơn và khi đó người ta sẽ chia lợi nhuận sau thuế cho người góp vốn nhiều hơn và tiền đó có thể người ta vừa sử dụng cho tiêu dùng, vừa sử dụng để tái đầu tư. Rõ ràng là tái đầu tư hay tiêu dùng đều liên quan đến các vòng sau. Đúng là chúng ta có lợi ích là một phần tăng thêm thu được cho ngân sách do sử dụng lợi nhuận đó. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng, lợi ích tăng thêm do thuế TNDN được giảm mới chỉ là kỳ vọng trong khi số tiền giảm thu ngân sách lại nhìn thấy ngay và chúng ta cần cân nhắc giữa lợi ích trong kỳ vọng và chi phí thực tế đã phát sinh.

Thưa ông, liệu có quá to tát khi cho rằng, giảm thuế trong lúc này để cứu nền kinh tế, cứu DN?

Thực ra không phải khi nền kinh tế khó khăn, DN khó khăn như thời điểm lúc này chúng ta phải giảm thuế. Như tôi đã nói, giảm thuế đây chúng ta đã có cả chương trình, theo kế hoạch và một điều rất phù hợp là chúng ta thực hiện kế hoạch đó khi nền kinh tế khó khăn, DN khó khăn. Nhiều người cho rằng vì khó khăn mới giảm thuế cho DN, theo tôi chưa thật chuẩn xác.

Mấy năm qua, từ năm 2009 đến nay, khi nền kinh tế khó khăn Chính phủ đã có nhiều biện pháp giãn thuế, gia hạn nộp thuế và báo cáo Quốc hội quyết định các phương án giảm thuế thông qua các nghị quyết của Quốc hội. Còn việc sửa Luật lần này liên quan đến các chương trình trung hạn và dài hạn. Ý kiến giảm thuế lúc này để cứu nền kinh tế, có lẽ cần phải đặt trong bối cảnh của Chiến lược Cải cách hệ thống thuế thì chuẩn xác hơn.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng tình với phương án của Chính phủ về các mức thuế suất, nhưng đề nghị Chính phủ  quy định rõ trong Luật lộ trình giảm thuế, như năm 2012-2015: 23% (DN nhỏ và vừa 20%); năm 2016-2020: 1 mức thuế suất 20%, địa bàn khó khăn: 15%. Theo ông, đó có phải là lựa chọn tối ưu hay không?

Phương án đề xuất này cũng có cái hay nhưng cũng có cái cần trao đổi lại vì về mặt định hướng lâu dài, Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đã xác định một  mức động viên hợp lý. Tôi cho rằng về lâu dài, mức  20% áp dụng chung có thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta đã có mức 20% mà lại đưa tiếp địa bàn khó khăn từ 20% xuống 15% thì không hay vì chênh lệch giữa 15% và 20% không đáng kể.

Trong khi đó, hiện chúng ta vẫn chưa giải quyết được bài toán đơn giản 1 thuế suất và chưa bình đẳng trong cạnh tranh. Nếu chúng ta quy định rõ lộ trình trong Luật thì DN có thể biết được phương án đầu tư để chọn, nhưng phải nói rằng chưa có lúc nào chúng ta khó khăn như lúc này và việc khó khăn trong dự báo còn sẽ khó hơn nữa.

Cho nên nếu chúng ta quy định cứng lộ trình trong Luật thì nhiều khi lại bó tay chúng ta. Có khi chúng ta cần đi nhanh hơn, có khi chúng ta đi từ từ vì bài toán dài hạn phải luôn đặt trong quan hệ xử lý trong ngắn hạn. Ngắn và dài hạn phải có liên kết với nhau.

Trong dự thảo Luật, cùng với việc giảm thuế suất còn bổ sung chính sách thuế ưu đãi đối với một số trường hợp như tổ chức tài chính vi mô, một số lĩnh vực liên quan đến tam nông, khu công nghiệp... Thời điểm áp dụng dự kiến sẽ trùng với Luật sửa đổi thuế Giá trị gia tăng, giảm thuế Thu nhập cá nhân khiến dư luận không khỏi lo ngại hụt ngân sách. Vấn đề này có đáng ngại không, thưa ông?

Lần sửa đổi này, chúng ta đã rà soát và bổ sung vào một số trường hợp ưu đãi thuế. Đây là những trường hợp được cân nhắc kỹ trên nhiều khía cạnh kể cả về kinh tế - xã hội cũng như tính toán sự đồng bộ các chính sách có liên quan.

Đảng và Nhà nước thực hiện tốt chủ trương chính sách tam nông nên những lĩnh vực liên quan đến đầu vào, đầu ra của nông nghiệp, nông thôn, khu vực hợp tác xã hay vùng khó khăn, dịp này cũng được rà soát để đưa vào từng ô nhóm ưu đãi hợp lý. Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức gắn với người nghèo, gắn với phụ nữ, tuy nhỏ nhưng rất an toàn về tài chính, rất hiệu quả và mô hình này có sức lan tỏa thậm chí còn lớn hơn cả hoạt động của mô hình quỹ tín dụng. Thực tế trong thời gian qua cho thấy cần phải có ưu đãi đối với lĩnh vực này.

Riêng về khu công nghiệp, chúng ta phải hết sức thận trọng vì cả nước có mấy trăm khu công nghiệp, nếu làm như thế thì quay trở lại ưu đãi tràn lan mất đi mục tiêu của chính sách. Nếu áp dụng ưu đãi thuế cho tất cả các DN ở khu công nghiệp như trước đây thì chúng ta phá vỡ mất mục tiêu dài hạn, nhưng những khu công nghiệp ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn thì phải ưu đãi.

Đặc biệt trong tình hình hiện nay nếu chúng ta mở rộng quá nhiều ưu đãi không phải là tốt nhưng mức ưu đãi mở rộng diện thì đã có sự tính toán để vừa bảo đảm mục tiêu dài hạn vừa giải quyết được xử lý ngân sách hàng năm để bảo đảm chi ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và các vấn đề lớn của xã hội được bảo đảm thuận lợi, không có sự xáo trộn.

Xin cảm ơn ông!