Phân luồng hàng hóa và áp dụng quản lý rủi ro đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan
(Tài chính) Liên quan đến vụ việc lô hàng 229 kg heroin bị bắt giữ tại Đài Loan trên chuyến bay xuất cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), dư luận gần đây có đề cập đến việc ngành Hải quan thực hiện phân luồng hàng hóa trong thủ tục hải quan điện tử và quản lí rủi ro.
Hải quan điện tử là tất yếu!
Khoảng 5 triệu bộ tờ khai hải quan, tương đương với đó là hàng triệu lô hàng xuất nhập khẩu mỗi năm ở nước ta hiện nay, nếu Hải quan Việt Nam vẫn thực hiện việc tiếp nhận và xử lí tờ khai hải quan bằng phương thức thủ công (do cán bộ công chức tiếp nhận, kiểm tra, phân loại… để thông quan) cho lượng tờ khai lớn như vậy là điều bất khả thi. Không những thế, việc thực hiện thủ công sẽ mất rất nhiều thời gian cho mỗi tờ khai, gây ảnh hưởng đến thời gian thông quan của doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Liên quan vụ 600 bánh (229 kg) heroin bị phát hiện, bắt giữ tại Đài Loan, kết quả rà soát bước đầu theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho thấy, cán bộ công chức ở các khâu nghiệp vụ đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định hiện hành. Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo tiếp tục đánh giá tổng thể về vụ việc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cũng yêu cầu rút kinh nghiệm và rà soát lại quy trình thủ tục hải quan. Cụ thể: Rà soát hệ thống tiêu chí quản lí rủi ro; hiệu quả sử dụng trang thiết bị kĩ thuật, chó nghiệp vụ; mạng lưới thông tin tình báo; đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ công chức và cải cách tổ chức bộ máy chuyên trách phòng, chống ma túy; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan trong nước và nước ngoài.
Công tác quản lí nhà nước về hải quan ngày càng phải chịu nhiều sức ép lớn khi mà hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2009 tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước mới đạt khoảng 127 tỉ USD (trong đó xuất khẩu 57 tỉ USD, nhập khẩu gần 70 tỉ USD), đến nay, dù chưa kết thúc năm 2013 nhưng có thể khẳng định kim ngạch xuất khẩu cả nước đã tăng hơn gấp 2 lần chỉ sau 5 năm. Từ đầu năm đến 15/11/2013, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 114 tỉ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu cũng xấp xỉ 114 tỉ USD.
Chính vì xu thế phát triển mạnh mẽ đó, trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 448/QĐ-TTg năm 2011) Chính phủ đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng đối với ngành Hải quan: Đến năm 2020 có 100% cục hải quan, 100% các chi cục hải quan, 100% các loại hình hải quan cơ bản, 90% kim ngạch xuất nhập khẩu, 80% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử… Đồng thời tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến năm 2015 là dưới 10% và đến năm 2020 phấn đấu đạt dưới 7%...
Điểm qua các con số cơ bản để thấy rằng việc điện tử hóa trong hoạt động hải quan là tất yếu, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng hóa ở cảng, cửa khẩu.
Kiểm tra hàng hóa trên cơ sở quản lý rủi ro
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, thủ tục hải quan điện tử chỉ là phương tiện để giải quyết thủ tục hải quan, còn vấn đề kiểm tra, giám sát hải quan là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Hải quan.
Điều 15 Luật Hải quan sửa đổi năm 2005 quy định “Hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, vận chuyển đúng tuyến đường, qua cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Kiểm tra hải quan được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để bảo đảm quản lí Nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu”.
Trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, Chính phủ cũng yêu cầu, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan áp dụng đầy đủ phương thức quản lí hải quan dựa trên quản lí sự tuân thủ theo các trụ cột: Thu thập, xử lí thông tin nghiệp vụ, quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan.
Theo quy định của pháp luật và thực tế hoạt động của Hải quan Việt Nam, tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu đều được kiểm tra. Việc kiểm tra thực tế trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để bảo đảm quản lí Nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá hàng nghìn thông tin liên quan đến doanh nghiệp, mặt hàng, tuyến đường… cơ quan Hải quan sẽ sàng lọc để thực hiện thủ tục một cách hiệu quả, không đánh đồng giữa doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và doanh nghiệp có nguy cơ gian lận, rủi ro cao.
Trên thực tế, để hàng hóa được phân vào luồng Xanh (miễn kiểm tra thực tế trong khâu thông quan) cơ quan Hải quan đã có quá trình điều tra, theo dõi, sàng lọc, đánh giá thông tin về doanh nghiệp, mặt hàng, tuyến đường… với rất nhiều tiêu chí khác nhau ở quá trình trước thông quan. Hiện nay, ngành Hải quan đang xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí quản lý rủi ro ở 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Cục và cấp Chi cục).
Đối với các nước có nền hải quan phát triển, để việc phân luồng chính xác, sàng lọc doanh nghiệp hiệu quả, vấn đề thu thập, phân tích thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, mặt hàng… có một vị trí đặc biệt quan trọng. Hoạt động này được gọi là công tác quản lý rủi ro.
Đối với Hải quan Việt Nam, việc áp dụng quản lý rủi ro vừa phù hợp với thông lệ quốc tế vừa để thực hiện tốt yêu cầu trong Luật Hải quan “bảo đảm quản lí Nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu”. Theo lãnh đạo Ban Quản lí rủi ro (Tổng cục Hải quan), căn cứ các quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan sẽ tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống tiêu chí để đánh giá mức độ rủi ro của từng mặt hàng, từng doanh nghiệp.
Đây là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên và bình thường của cơ quan Hải quan. Dựa vào kết quả đánh giá, phân tích mức độ rủi ro của doanh nghiệp, hàng hóa, cơ quan Hải quan sẽ đưa mức độ kiểm tra phù hợp để đảm bảo yêu cầu quản lí Nhà nước về hải quan. Mức độ kiểm tra sẽ có sự thay đổi theo từng thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Cần nâng cao chất lượng thông tin
Có thể khẳng định việc áp dụng quản lý rủi ro và các phương thức quản lí hải quan hiện đại vừa để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa giảm thiểu rủi ro, đảm bảo công tác quản lí Nhà nước về Hải quan. Vấn đề quan trọng ở đây là tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả, việc phân tích, sàng lọc thông tin kịp thời, chính xác nhằm ngăn chặn các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn lậu. Điều này cũng luôn là yêu cầu bức thiết ngay cả đối với các nước có nền hải quan hiện đại.
Luật Hải quan sửa đổi vừa được Chính phủ trình thảo luận tại Kì họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII. Một trong những nội dung quan trọng trong Luật Hải quan sửa đổi lần này là vấn đề áp dụng quản lý rủi ro. Với cách tiếp cận của Hải quan thế giới hiện nay, quản lý rủi ro không chỉ là một phương pháp mà nó còn là một lĩnh vực nghiệp vụ, trong đó có những hoạt động được giao thoa, xen lẫn, tạo nền cho các hoạt động nghiệp vụ hải quan, như việc đánh giá rủi ro hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, cung cấp thông tin nghiệp vụ để định hướng các hoạt động hải quan, hoặc xác định, kiểm soát các nguy cơ trong từng khâu, hoạt động nghiệp vụ hải quan… và có những hoạt động có tính đặc thù, riêng có của lực lượng chuyên trách quản lý rủi ro, như: Nghiên cứu, phân tích dự báo; quản lí hồ sơ, theo dõi, đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; quản lí hồ sơ rủi ro; quản lí, ứng dụng tiêu chí quản lý rủi ro… Trong quản lí hải quan hiện đại thì những hoạt động này ngày càng có tính chủ đạo và chiếm phần lớn trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Trong hoạt động quản lý rủi ro, thông tin tình báo luôn được xem là chìa khóa then chốt, là một bộ phận cấu thành của công tác này. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm thông tin hải quan, thông tin nghiệp vụ hải quan cùng với việc tổ chức thực hiện công tác này chưa được quy định trong Luật Hải quan. Điều này đã dẫn đến sự hiểu và vận dụng thông tin tình báo thiếu tính thống nhất; hoạt động thu thập, xử lí thông tin nghiệp vụ bị phân tán, thông tin bị cát cứ. Dẫn đến việc thiếu thông tin, dữ liệu cho các hoạt động nghiệp vụ hải quan, cũng như công tác quản lý rủi ro.
Quách Đăng Hòa (Trưởng ban quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan)