Phân vân quản lý doanh nghiệp nhà nước

Theo báo Đầu tư

Cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hình thức “bình mới, rượu cũ” đang làm khó doanh nghiệp nhà nước.

Cho tới nay, một tháng rưỡi sau Quyết định 1428/QĐ-TTg ngày 2/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng thí điểm Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, các tổng công ty trong danh sách chuyển về trực thuộc Bộ Xây dựng vẫn đang trong giai đoạn sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ quản lý. Việc xác định vốn điều lệ, xây dựng điều lệ cho các tổng công ty này vẫn chưa được hoàn tất.

Trao đổi với báo chí,ông Phí Thanh Long - chuyên viên Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) cho biết, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới vẫn chưa được thực hiện và vì vậy, hoạt động của các doanh nghiệp này đang rất vướng mắc. Hệ lụy chắc chắn là khả năng chậm trễ trong các kế hoạch sản xuất - kinh doanh so với dự kiến trước đó. “Ngay cả kế hoạch cổ phần hóa một số doanh nghiệp cũng có thể phải kéo dài, vì sẽ phải thành lập lại ban chỉ đạo khi chuyển về bộ”, ông Long cho biết.

Khúc mắc không chỉ nằm ở các thủ tục chuyển đổi, bởi theo ông Long, các doanh nghiệp này khi chuyển về bộ quản lý, sẽ tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nguyên nhân chính vẫn là cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hình thức “bình mới, rượu cũ”.

“Một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ quản lý phải chịu cùng một lúc nhiều đầu mối quản lý. Có thể kể đến vụ kế hoạch tài chính, vụ tổ chức cán bộ, văn phòng... Có nghĩa là, để có được một quyết định chỉ đạo từ cấp chủ sở hữu là bộ quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp phải chờ đợi khá lâu để có đầy đủ ý kiến từ các đầu mối. Như vậy, rất khó bàn đến hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như trách nhiệm của các đầu mối này”, ông Long phân tích.

Nếu chiểu theo những đầu mối mà các tập đoàn này chịu sự quản lý khi còn hoạt động trong mô hình tập đoàn, có vẻ những thay đổi tới không bớt đi áp lực, chỉ có khác ở cấp cơ quan quản lý.

Theo phân tích của ông Nguyễn Cảnh Nam, Thư ký Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Vinacomin đang nhận được sự quản lý của các đại diện chủ sở hữu nhà nước, bao gồm Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ liên quan.

“Theo Điều lệ của Vinacomin, các đại diện chủ sở hữu sẽ phải thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư hàng năm. Mà Tập đoàn có hàng trăm dự án, sức đâu để các cơ quan này phê duyệt và kiểm soát hết”, ông Nam nói.

Hơn thế, ông Nam cũng cho biết, trong điều lệ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chỉ có phần giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhưng không quy định trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Hệ quả là, các bộ, ngành chưa phối hợp với nhau khi thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, nên nhiều vấn đề của doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, thậm chí là đùn đẩy, không có hồi kết.

Vòng tròn đồng tâm trong phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp trong các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ làm rối cho doanh nghiệp, mà làm khó cho cả công chức được giao trọng trách thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, nhất là những người được phân giao trách nhiệm của kiểm soát viên.

“Sẽ rất khó cho kiểm soát viên, nếu họ được doanh nghiệp trả lương. Thông tin từ kiểm soát viên tới đại diện chủ sở hữu được lấy từ chính các báo cáo của doanh nghiệp, nên tính độc lập cần phải có của chức danh này không đạt được”, ông Nam khẳng định và cho rằng, kiểm soát viên phải chịu sự điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngay cả đề xuất mới về việc thành lập đơn vị để thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước tại các bộ chuyên ngành, dù được giới phân tích cho là giải pháp trước mắt hữu hiệu trước mắt trong phân định các chức năng này, cũng chưa tìm được sự đồng thuận từ các cấp thực hiện. Ông Long cho rằng, mấu chốt không chỉ nằm ở các bộ quản lý chuyên ngành. “Khi cấp trung ương vẫn phân chia chức năng đại diện chủ sở hữu theo các bộ, thì ở cấp dưới, mô hình này sẽ được rập khuôn tương tự”, ông Long lo ngại.