Phát hiện 86.950 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả
86.950 là số vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mà lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay.
Theo Cục QLTT (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Công thương), tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm có dấu hiệu ngày càng tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. 10 tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 86.950 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách 369,2 tỷ đồng; chuyển cơ quan có chức năng khởi tố hình sự 51 vụ.
Tại tuyến biên giới Nam miền Trung và Tây Nguyên nổi lên các hoạt hoạt động buôn gỗ, động vật hoang dã; tuyến biên giới Tây Nam là hoạt động buôn lậu vận chuyển trái phép thuốc lá điếu, đường cát. Tại các cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và miền Trung, hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, đồ chơi bạo lực, thực phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm, gia cầm, thịt động vật diễn ra phức tạp.
Tình trạng ùn tắc hàng hóa từ phía Trung Quốc cùng việc chủ hàng nâng mức chi phí cho người mang vác thuê dẫn đến hoạt động buôn lậu tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những diễn biến mới. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, chống đối liều lĩnh, khi bị xử lý hành chính thì có trái độ chây ì, bất hợp tác…gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.
Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế đáng chú ý là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị, có thuế tiêu thụ đặc biệt cao.
Trong nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Trên vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ, các hoạt động buôn lậu xăng, dầu, than quặng, gỗ, thuốc lá điếu diễn ra phức tạp. Cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng hàng nghìn tấn hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm gồm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị y tế đã qua sử dụng trị giá hàng trăm tỷ đồng qua đường biển vào TP. Hồ Chí Minh; bắt giữ 513.000 lít dầu DO và 212.076 lít dầu FO không hóa đơn, chứng từ hợp pháp tại vùng biển Kiên Giang; phát hiện, bắt giữ 5 xe ô tô khách hoán cải, tháo bỏ ghế ngồi, gia cố thêm các hầm hàng bí mật để cất giấu, vận chuyển trái phép số lượng lớn hàng bách hóa Trung Quốc từ khu vực biên giới Quảng Ninh vào nội địa…
Theo quy luật, những tháng cuối năm là thời điểm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác hại nhiều mặt tới sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Để góp phần ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…
Cục QLTT sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm; đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm.
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đã ký cam kết để việc ký cam kết không mang tính hình thức. Cùng với việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong kết quả đấu tranh, Cục QLTT sẽ đẩy mạnh công tác chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ.
Tuy nhiên, để có thể nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, Cục QLTT đề nghị Chính phủ sớm xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh QLTT; ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.