Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới: Nóng bỏng và phức tạp

Q.Minh

Cứ vào dịp cuối năm, tại nhiều tuyến biên giới, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa lại nóng lên. Không chỉ có những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, vải vóc, đồ điện tử mà các mặt hàng cấm như pháo nổ, tiền giả, ma túy cũng bị nhiều đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để vận chuyển qua biên giới…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại liên tục thay đổi, việc tổ chức vận chuyển hàng lậu qua các vùng xa xôi, hẻo lánh giờ đây không phải là địa bàn trọng điểm như trước kia. Các đối tượng buôn lậu thay đổi tuyến vận chuyển hàng lậu từ đường bộ sang đường hàng không và đường biển; lợi dụng các chính sách ưu đãi miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, các quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu trên thị trường. Ngoài ra, chúng lợi dụng các kẽ hở trong quy định khai báo hải quan để gian lận về chủng loại, số lượng, đơn vị tính, giá tính thuế, nhãn mác, giấy phép nhập khẩu, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, kinh doanh tạm nhập tái xuất, không qua hải quan...

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành chức năng, công tác phòng, chống gian lận thương mại, hàng iả, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thời gian qua đã có những chuyển biến quan trọng, các lực lượng chức năng đã đẩy lùi được một bước vấn nạn này. Tuy nhiên, đây vẫn là một mặt trận nóng bỏng. Theo nhận địnhcủa Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, GLTM và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến rất phức tạp, tập trung tại các địa bàn trọng điểm gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, HàTĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, An Giang, ĐồngTháp.

Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là một trong những công tác trọng tâm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính. Theo đó, để đảm bảo thực hiện tốt công tác này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng, trong đó tập trung vào: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin đảm bảo cải cách, hiện đại hóa quá trình kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng; xác lập chuyên đề, chuyên án đấu tranh hiệu quả với buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và chống thất thu thuế XNK.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389/QG). Từ khi Ban Chỉ đạo 389/QG và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389/QG được thành lập đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo, điều hành hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại trên phạm vi toàn quốc; bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, hoạt động phối hợp chia sẻ thông tin, hiệp đồng tác chiến đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc buôn lậu giữa các lực lượng.

Với vai trò là thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 389/QG, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389/QG đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác chống buôn lậu, nổi bật là: Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 41/ND-CP ngày 09/6/2015 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Sửa đổi, bổ sung một số văn bản, chính sách bị lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại; Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình, kết quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại nhiều địa phương, địa bàn trọng điểm trong cả nước, qua đó đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm như phát hiện 24 vụ việc vi phạm tại các kho hàng khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, vụ 04 xe ô tô chở hàng hóa nhập lậu tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn...; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng xây dựng, thực hiện các chuyên đề, kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như các chuyên đề, kế hoạch đấu tranh đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, thuốc lá...; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, trong đó đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng Chương trình truyền hình ”Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” phát định kỳ trên sóng VTV1 hàng ngày. ..

Đối với việc kiểm soát các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, Tổng cục Hải quan xây dựng, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, chuyên đề, kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với các mặt hàng này, trong đó, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, sàng lọc đối tượng trọng điểm, đưa vào diện quản lý, xác lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; Phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường...trao đổi thông tin và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, rượu, bia ở khu vực biên giới và thị trường nội địa.

Với sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo các cấp, sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát Hải quan và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn lực lượngHải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 9.670 vụ (tăng 735 vụ, tăng 8,44% so với 06 tháng đầu năm 2014), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 85 tỷ 082 triệu đồng. Thu nộp ngân sách nhà nước đạt 76 tỷ221 triệu đồng. Trong đó, cơ quan Hải quan đã: Xử lý vi phạm hành chính: 433 vụ; Khởi tố 07 vụ án hình sự; Chuyển cơ quan khác khởi tố 37 vụ án hình sự. Riêng mặt hàng thuốc lá, bia, rượu ngoại, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng kiểm soát Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 198 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, thu giữ 13.949 kg nguyên liệu thuốc lá, 372.870 bao thuốc lá; 1.135 chai rượu ngoại, 35.075 chai, lon bia...

Nhờ công tác tham mưu, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời; dự báo đúng xu hướng, tội phạm, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nên kết quả bắt giữ của lực lượng kiểm soát Hải quan trong thời gian gần đây có những chuyển biến tích cực, làm cho các đối tượng không dám liều lĩnh, thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với quy mô lớn. Tuy nhiên đã xuất hiện những thủ đoạn mới (như vận chuyển thuốc lá qua biên giới đường bộ, buôn lậu qua đường hàng không,...). Các lực lượng chống buôn lậu đã đấu tranh, phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép có khối lượng lớn như kết quả nêu trên.

Để triển khai tốt Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ ngày 09/6/2015 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục làm tốt vai trò thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 389/QG, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tập trung xây dựng, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề, chuyên án đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cho phù hợp với từng tuyến, địa bàn, mặt hàng và tình hình cụ thể; Tổ chức lực lượng, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin nhằm phát hiện, tìm ra các phương thức, thủ đoạn, đường dây, ổ nhóm buôn lậu mới để có những biện pháp đấu tranh, phòng ngừa thích hợpđể hạn chế, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.