Phát huy hiệu quả hệ thống thương vụ

Theo Nguyệt Bắc/nhandan.vn

Thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp do chịu tác động từ đại dịch COVID-19, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng cũng như xung đột Nga-Ukraine. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi sự kết nối, phối hợp hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị trong nước để cập nhật, chia sẻ nhanh, chính xác nhất thông tin thị trường, quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường và thúc đẩy xuất khẩu.

Bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Minh Hà
Bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Minh Hà

Bảy tháng qua, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, song tình hình kinh tế của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giữ vững đà tăng trưởng cao với kim ngạch đạt hơn 435 tỷ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó riêng xuất khẩu tăng 16,8%. "Ðạt được thành tích này có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương mà trực tiếp là hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Còn nhiều thách thức

Dù xuất khẩu đạt kết quả khả quan, song theo thông tin từ các thương vụ nước ngoài, lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Trưởng Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) Trần Minh Thắng cho biết, sau khi đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 37 năm trở lại đây (năm 2021 tăng trưởng 5,7%), nền kinh tế Mỹ đã suy giảm lần lượt 1,6% và 0,9% trong quý I và quý II vừa qua. Mỹ cũng đang phải đối mặt tình hình lạm phát tăng cao nhất trong bốn thập kỷ qua, tác động lớn đến tâm lý của người tiêu dùng. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 giảm đến mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 trước những quan ngại về nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát dai dẳng.

Ngày 25/7 vừa qua, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ là Wallmart đã phải hạ triển vọng kinh doanh cả năm trước dự đoán người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép,… Xu hướng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ hàng hóa, trong đó có hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân, tổng lượng tồn kho mặt hàng thời trang nói chung, giày dép nói riêng trên thế giới hiện nay rất lớn. Khảo sát các doanh nghiệp và nhãn hàng cho thấy, từ nay đến quý I/2023, tình hình đơn hàng về Việt Nam sẽ bị chững lại. Trong bối cảnh đó, ngành da giày cố gắng đạt kim ngạch xuất khẩu năm nay khoảng 23-25 tỷ USD (sáu tháng đầu năm đạt 14 tỷ USD).

Cảnh báo một số quy định của khu vực Bắc Âu sẽ thay đổi trong thời gian tới, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Ðiển (kiêm nhiệm Ðan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) Nguyễn Thị Hoàng Thúy chia sẻ: Ngày 13/5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan Chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh trong năm 2023, 2024 và 2025 để bảo đảm các sản phẩm nhập khẩu vào khu vực này tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu được nêu trong Phụ lục I của Quy định. Các lô hàng mẫu sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên; sản phẩm được kiểm tra gồm rau, củ quả, trứng, sữa,… Na Uy dù không phải là thành viên của EU, nhưng lại là thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh.

Do đó, hai tháng qua, Na Uy đã tăng cường kiểm tra ở biên giới, đồng thời tiến hành hậu kiểm nhiều sản phẩm đang bày bán trên thị trường. Ngoài một số sản phẩm mì ăn liền, có ba lô hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam bị phát hiện vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh gạo của Việt Nam nói riêng, hàng thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam nói chung. Do vậy, trong thời gian tới, gạo và nhiều mặt hàng khác của Việt Nam sẽ bị Na Uy kiểm tra ngay tại cửa khẩu.Thương vụ cảnh báo các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin trên để có kế hoạch ứng phó.

Ngoài ra, sáng 29/6 vừa qua, Bộ trưởng Môi trường 27 quốc gia EU đã cùng thông qua một loạt biện pháp chống biến đổi khí hậu, trong đó có đề xuất ô-tô mới được bán tại EU sẽ không được phát thải từ năm 2035. Ðiều này đồng nghĩa với việc ô-tô có động cơ đốt trong sẽ không được tiêu thụ tại thị trường này từ thời gian nói trên, riêng các nước Bắc Âu sẽ thường đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường, thậm chí triển khai sớm hơn so các nước EU khác.

Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin

Tổng Thư ký Hiệp hội Cao-su Việt Nam (VRA) Võ Hoàng An đánh giá, các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là hoạt động của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã giúp doanh nghiệp cao-su giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng cũng như mở rộng quan hệ với tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa vai trò đại diện quốc gia về thương mại của các thương vụ nước ngoài trong thời gian tới, VRA mong muốn được trao đổi thông tin thường xuyên về chiến lược phát triển kinh tế, nhu cầu xuất nhập khẩu, chính sách, luật pháp của nước sở tại. Ðặc biệt, các thương vụ cần giúp đỡ, tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam về mặt pháp lý khi gặp khó khăn, vướng mắc với đối tác hoặc cơ quan quản lý tại nước ngoài.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sản xuất chế biến tiêu thụ xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La Hà Như Huệ kiến nghị, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố về quy định nhập khẩu sản phẩm nông sản của các nước (điều kiện nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng, đơn vị nhập khẩu uy tín,…); đồng thời, chủ động kết nối các địa phương với các doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ tại nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Riêng Sơn La rất cần sự hỗ trợ trong giới thiệu các sản phẩm nông sản truyền thống tới các doanh nghiệp nhập khẩu nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Phân tích cụ thể hơn, Tổng Thư ký Lefaso Phan Thị Thanh Xuân cho biết, Liên bang Ðức sắp ban hành đạo luật về thẩm định nghĩa vụ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dự kiến áp dụng từ 1/1/2023 tại Ðức và sẽ tiếp tục mở rộng cho toàn EU. Ðạo luật chắc chắn sẽ tác động mạnh tới ngành sản xuất giày dép xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đến nay các doanh nghiệp trong nước mới nhận được một số thông tin cơ bản, còn cụ thể kế hoạch triển khai như thế nào, có quy định gì thì doanh nghiệp hoàn toàn thiếu thông tin. Do đó, Lefaso đề nghị thương vụ tại Ðức cập nhật càng nhanh càng tốt thông tin mới nhất, đầy đủ nhất về quy định này cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn được thường xuyên tiếp nhận kịp thời thông tin từ nhiều thị trường khác nhau, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt và triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh trường hợp gặp thất bại trong xuất khẩu.

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại; kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của đất nước, doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nắm vững yêu cầu, thị hiếu của thị trường, tham mưu cho Bộ về định hướng phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời, khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, các thương vụ cần chú trọng tìm kiếm, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, hỗ trợ hợp tác phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài học tập, làm việc, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Các thương vụ cũng cần tăng cường mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong nước, các địa phương, hiệp hội ngành hàng để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong nước xuất khẩu nông, thủy sản có tính mùa vụ.