7 tháng đầu năm, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp trên 6,28 tỉ USD

Theo Vũ Long/laodong.vn

Ngành nông nghiệp đang nỗ lực vượt nhiều khó khăn đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu, đảm bảo nguồn cung nhằm ổn định an ninh lương thực.

Ngành nông nghiệp khẳng định đảm bảo an ninh lương thực dù kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Ảnh: T.Long
Ngành nông nghiệp khẳng định đảm bảo an ninh lương thực dù kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Ảnh: T.Long

Đảm bảo an ninh lương thực

Sáng 1/8/2022, tại buổi họp thông tin về tình hình sản xuất 7 tháng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định, gần đây, trong các diễn đàn doanh nghiệp, Cao ủy Nông nghiệp Châu Âu liên tiếp phát các thông tin cảnh báo về an ninh lương thực, cho thấy vấn đề an ninh lương thực đang là vấn đề nóng được Cao ủy Nông nghiệp Châu Âu và cả thế giới quan tâm.

Trong nước, Bộ NNPTNT cũng đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo để đảm bảo các mục tiêu kế hoạch năm 2022, tạo đà cho tăng trưởng năm 2023. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2022, riêng về sản lượng lúa gạo, Bộ NNPTNT đang thúc đẩy để đạt được 43 triệu tấn.

“Với số lượng này, ngành nông nghiệp hoàn toàn đảm bảo cung ứng cho 98 triệu dân (khoảng 14 triệu tấn gạo).  Ngoài ra còn dành cho chế biến: 7,5 triệu tấn; giống: 1 triệu tấn; chăn nuôi: 3,4 triệu tấn; dự trữ: 3 triệu tấn. Ngoài ra, còn dư để xuất khẩu khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Về chăn nuôi, năm ngoái ta đạt 6,69 triệu tấn thịt các loại, năm nay hết 6 tháng đã đạt 3,4 triệu tấn. Nếu quy cả sữa và trứng thì đạt 4,4 triệu tấn. Hết tháng 7 đàn lợn tăng trưởng 4,8%, đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%. Các năm trước đàn trâu giảm 2,4% thì đến thời điểm này chỉ giảm 1,1%. Trứng đạt 18,4 tỷ quả; sữa 7 tháng đạt xấp xỉ 620 nghìn tấn, có thể yên tâm đạt mốc 1,3 triệu tấn sữa trong năm nay” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.

Về thủy sản, hết tháng 7/2022 Việt Nam đạt trên 5 triệu tấn, tăng 2,4%, trong đó nuôi trồng tăng 7,1%.

“Năm nay Việt Nam có thể đạt sản lượng 8,5-8,6 triệu tấn. Thời gian gần đây giá dầu giảm bà con ngư dân đã vươn khơi bám biển, xuất khẩu thủy sản chắc chắn đạt trên 10 tỷ USD” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Từ kết quả sản xuất nêu trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, rủi ro về dịch bệnh, lạm phát tăng cao, các nền kinh tế lớn cũng gặp nhiều thách thức, nhưng Việt Nam có thể đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực.

Thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt 6,28 tỷ USD

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 7 diễn ra trong điều kiện nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản trên thế giới tăng cao, dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,...) đã giảm nhẹ. Dù vậy, sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng mạnh với thặng dư thương mại 7 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%.           

7 tháng đầu năm, đã có 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD (cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng nông nghiệp đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); cao su đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 7%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9%); hồ tiêu khoảng 661 triệu USD (tăng 11,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 904 triệu USD (tăng 32,1%), cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%), tôm đạt trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,7 tỷ USD (tăng 1,2%); mây, tre, cói thảm đạt 538 triệu USD (tăng 3,1%), phân bón các loại đạt 848 triệu USD (gấp 3,2 lần). 

Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước trên 26 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

"Trong 7 tháng đầu năm 2022, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp trên 6,28 tỷ USD" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.