Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư để “cùng thành công, chung thắng lợi”

Lê Anh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư để “cùng thành công, chung thắng lợi”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc.

Việt Nam tăng trưởng kinh tế vững chắc

Sáng 07/3, tại Seoul (Hàn Quốc), Bộ Tài chính Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến đầu tư”. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, 2024 là năm thứ 2 Việt Nam và Hàn Quốc triển khai thực hiện quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hai nước đã thực sự trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Nhiều cuộc giao lưu, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua không chỉ củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước mà còn góp phần to lớn vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, khu vực và trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm. 

Theo Bộ trưởng, trong những năm qua, bất chấp những thử thách, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, ổn định, lạm phát được kiểm soát. Năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Các cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng bền vững hơn. Cả năm 2023 lạm phát tăng 3,25%, dưới mức mục tiêu 4,5%; bội chi ngân sách nhà nước ở mức 4,42% GDP, nợ công khoảng dưới 40% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD với đối tác và ngành hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng.

 

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định", châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng. Hết năm 2023, nợ công khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.

Đáng chú ý, tổng vốn FDI đăng ký đến cuối tháng 12/2023 đạt hơn 36,6 tỷ USD (trong đó vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD), tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước; số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh là một điểm rất đáng ghi nhận cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc khơi thông các cơ chế chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, Việt Nam đã điều chỉnh giảm lãi suất 4 lần mức giảm từ 0,5 đến 2%/năm, nợ công thấp, dư địa tài khoá dồi dào là những lợi thế căn bản để Việt Nam duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn...

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ. Nhằm thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số. 

Ông Kim Yong Jae - Ủy viên thường trực của Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC) phát biểu tại Hội nghị.
Ông Kim Yong Jae - Ủy viên thường trực của Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC) phát biểu tại Hội nghị.

Đối với thị trường tài chính Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều chỉ đạo sát sao nhằm củng cố và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc để kiên định mục tiêu phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Riêng đối với thị trường chứng khoán (TTCK), mặc dù còn khá non trẻ, song TTCK Việt Nam đã có sự phát triển tương đối nhanh, phát huy vai trò tích cực là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đồng thời là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cấu trúc thị trường, khuôn khổ pháp lý tiếp tục được hoàn thiện.

Tính tới cuối tháng 2/2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt gần 270 tỷ USD, tương đương gần 63% GDP. Toàn thị trường có hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 7,4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 7,2% dân số, vượt kế hoạch đề ra.

Thông tin đến các nhà đầu tư Hàn Quốc, Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua tại Hội nghị phát triển TTCK năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam tiếp tục phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, toàn diện, hội nhập và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể tham gia. Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi...”

Củng cố lòng tin của nhà đầu tư Hàn Quốc 

Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao các đối tác Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư này nhằm tạo kênh đối thoại thực chất giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.   

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

“Tôi mong rằng, sau Hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc. Về phía Bộ Tài chính Việt Nam, chúng tôi cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác đem lại hiệu quả cao nhất. Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư để chúng ta “cùng thành công, chung thắng lợi”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

 

Hội nghị thu hút gần 300 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Việt Nam, bao gồm các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp của hai nước.

Bộ trưởng khẳng định, sự tham gia đông đảo và tích cực của các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm và tâm huyết cùng chung tay xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng bền chặt, thịnh vượng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Kim Yong Jae - Ủy viên thường trực của Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết, kể từ sau khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những người bạn đồng hành không thể thiếu trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay đã có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, 2 quốc gia cũng trở thành quốc gia top 3 trong hợp tác thương mại của nhau.

Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 trên thế giới mà các công ty tổ chức tài chính Hàn Quốc đang có mặt, với số lượng lên tới 46 công ty tổ chức bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…

“Việt Nam đang đạt được những thành tựu tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc trong một thời gian dài. Tăng trưởng bình quân năm của Việt Nam trong 20 năm trở lại đây đạt 6,29% và gần đây Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh kinh tế thế giới bị trì trệ. Tôi cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế này chính là thành quả của sự nỗ lực của chính phủ và người dân Việt Nam, kết hợp với sự đầu tư quyết đoán của các doanh nghiệp quốc tế”, ông Kim Yong Jae nói.