Phát huy hơn nữa tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế trong tình hình mới
Sau 6 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đến nay, chính sách BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực như tỷ lệ bao phủ đối tượng tham gia BHYT; đảm bảo kịp thời quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho đối tượng thụ hưởng... Tuy nhiên, việc triển khai Luật này cũng gặp phải một số hạn chế, bất cập chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Không ngừng mở rộng đối tượng tham gia BHYT
Ngày 13/6/2014, Quốc hội ban hành Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về BHYT.
Để đưa Luật BHYT nhanh chóng vào thực tiễn cuộc sống, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai chính sách BHYT.
Nhờ đó, đến nay, việc phát triển đối tượng và mở rộng cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tham gia được ngành BHXH Việt Nam triển khai.
Cụ thể, số người tham gia BHYT tăng trưởng ấn tượng qua các năm. Từ năm 2015 - 2017 mỗi năm tăng từ 6% - 7%; giai đoạn 2018 - 2020 duy trì mức tăng trên dưới 3% mỗi năm.
Bên cạnh phát triển đối tượng, việc đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thụ hưởng được ngành BHXH Việt Nam quan tâm triển khai.
Trong vài năm trở lại đây, mỗi năm, Quỹ BHYT đã chi trả hơn 100.000 tỷ đồng cho khoảng từ 160 -185 triệu lượt người đi khám chữa bệnh (KCB) theo chế độ BHYT.
Chỉ tính trong 10 năm - kể từ khi có Luật BHYT, số thu và chi KCB BHYT đều tăng khoảng 8 lần; sau 5 năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, số chi KCB tăng gấp 2 lần...
Về quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT, theo Bộ Y tế: Phạm vi dịch vụ được hưởng và mức hưởng của bệnh nhân BHYT đều có sự gia tăng đáng kể. Về phạm vi KCB, bên cạnh các dịch vụ điều trị, Quỹ BHYT đã chi trả cả cho các dịch vụ phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con.
Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cũng được điều chỉnh thường xuyên (tên loại, hạng bệnh viện được sử dụng, tỷ lệ chi trả) để phù hợp với nhu cầu KCB, sự phát triển khoa học kỹ thuật và hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT.
Hoạt động mua sắm thuốc, vật tư y tế được thực hiện theo quy định về đấu thầu. Một số nhóm đối tượng không phải áp dụng cùng chi trả chi phí; mức hưởng BHYT khi KCB trái tuyến cũng được điều chỉnh tăng lên trong Luật BHYT năm 2014.
Ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, thực tế cho thấy nghịch lý là càng phát triển nhiều đối tượng tham gia lại càng bội chi; xu hướng “lựa chọn ngược” (chỉ tham gia BHYT khi có nhu cầu KCB), mà không phải nhằm mục đích chia sẻ cộng đồng vẫn tồn tại ở nhóm tham gia theo hộ gia đình và không đảm bảo khả năng/mục tiêu hỗ trợ chéo khi nhiều người có thu nhập cao không tham gia.
Nhiều trường hợp chưa đảm bảo công bằng về quyền lợi (đóng ít - hưởng nhiều và ngược lại); tồn tại về cơ chế tài chính bệnh viện chưa phù hợp; mất công bằng giữa khả năng cung cấp dịch vụ y tế và phân bổ nguồn lực...
Bên cạnh đó, quyền lợi người tham gia BHYT chưa được đảm bảo. Chi từ tiền túi người dân vẫn cao. Trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả chưa đến từ hai phía…
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay nhóm có mức đóng thấp chiếm số đông. Theo ông Phúc, nguyên nhân này là do thiếu chế tài xử phạt mặc dù quy định tham gia BHYT là bắt buộc. Sự phù hợp giữa mức đóng với gói quyền lợi BHYT chưa được đánh giá đầy đủ.
Chưa có chiến lược mua dịch vụ y tế phù hợp, theo đó, người trả tiền không có vai trò quyết định trong chiến lược mua dịch vụ y tế, mà cơ sở y tế “bán” dịch vụ y tế nào, Quỹ BHYT cũng phải “mua” cho người bệnh.
Về tổ chức thực hiện, chúng ta cũng thiếu hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị chuẩn; hướng dẫn thanh toán không rõ ràng, dễ gây khúc mắc giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH...
Nâng cao hiệu quả giám sát, ngăn chặn trục lợi BHYT
Ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, qua phân tích số liệu về BHYT năm 2016 cho thấy, trong tổng số hơn 80 triệu thẻ BHYT thì có 80% số thẻ (trong đó gồm 62% do ngân sách đóng, hỗ trợ đóng; 18% từ BHYT theo hộ gia đình) có mức thu bình quân là 653.000 đồng/thẻ (tương ứng với 4,5% mức lương cơ sở), trong khi mức bình quân số thu thẻ BHYT trên cả nước là 850.000 đồng/thẻ; bình quân chi BHYT là 940.000 đồng/thẻ.
Để cân đối được giữa mức thu và chi này cần bổ sung thêm 7.000 tỷ đồng từ Quỹ Dự phòng của BHYT cho hoạt động KCB BHYT trong năm. Đây là bằng chứng cụ thể về sự chênh lệch giữa đóng và hưởng của BHYT Việt Nam.
Nếu Quỹ BHYT không còn nguồn dự phòng từ mấy năm trước, chắc chắn phải thay đổi ngay mức đóng, mức hưởng, mà thông thường như các quốc gia đang làm là trước hết phải thay đổi ngay mức đóng.
Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) sẽ đưa ra nhiều quy định mới để đảm bảo cân đối Quỹ BHYT, cũng như quyền lợi của bệnh nhân.
Đó là quy định tổ chức BHYT được quyền kiểm tra các cơ sở KCB BHYT về việc đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT, nhằm tránh tình trạng bớt xén quyền lợi của người có thẻ BHYT, cũng như các cơ sở KCB khuyến khích bệnh nhân sử dụng và tự chi trả các thuốc, dịch vụ y tế khác dù các dịch vụ này đã được Quỹ BHYT chi trả.
Với người có thẻ BHYT, việc hiện đại hóa công nghệ thông tin giúp các cơ sở KCB BHYT biết được lịch sử KCB của người có thẻ, do đó sẽ hạn chế tình trạng lạm dụng số đối tượng; tạm dừng ký hợp đồng KCB đối với các cơ sở KCB BHYT bị phát hiện sai phạm mang tính hệ thống trong sử dụng Quỹ BHYT...
Các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật BHYT sửa đổi sẽ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế phát triển.
Dự thảo Luật BHYT sửa đổi được kỳ vọng góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BHYT, cũng như cùng kiểm soát chi phí KCB; phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý sử dụng Quỹ BHYT...