Phát huy năng lực nội sinh, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

Theo nhandan.vn

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá cả đầu vào tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp…, nhưng với sự đồng hành của chính quyền, cùng ý chí, bản lĩnh vốn có, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động đổi mới, sáng tạo, quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, kịp thời thích ứng với tình hình mới. Điều này góp phần duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả nước.

Sản xuất các loại bao bì tại Công ty cổ phần Bao bì Sông La Xanh (Cụm công nghiệp Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Vũ Sinh
Sản xuất các loại bao bì tại Công ty cổ phần Bao bì Sông La Xanh (Cụm công nghiệp Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Vũ Sinh

Nhận diện đúng cơ hội và thách thức, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thích ứng bối cảnh mới. Trong đó, tỉnh đã tập trung tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhiều tín hiệu tích cực

Chín tháng qua, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt gần 1.100 doanh nghiệp, tăng 39% với tổng vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng; gần 300 doanh nghiệp quay lại thị trường, tăng gần 16% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động gấp 2,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/doanh nghiệp; thành lập mới 15 hợp tác xã, 4.077 hộ kinh doanh, nâng tổng số hợp tác xã trên toàn tỉnh là 1.015 hợp tác xã và 52.500 hộ kinh doanh. Đồng thời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án, trong đó 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, hai dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 280 triệu USD.

Điểm nhấn đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm tại tỉnh, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Cuối năm 2021, Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Sau chín tháng thi công, dự án đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và đang tiến hành lắp đặt thiết bị, phấn đấu đưa vào vận hành sản xuất trong quý IV năm 2022.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD đang được tập trung đẩy mạnh thi công, tính đến tháng 9/2022 đã giải ngân 1/4 tổng vốn đăng ký thực hiện, dự kiến hoàn thành đi vào vận hành vào năm 2025. Cuối tháng 7 vừa qua, Nhà máy Bia Hà Nội-Nghệ Tĩnh với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng đã chính thức hoạt động và sản xuất thử nghiệm, dự kiến sẽ đóng góp ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 200 lao động...

Song song với công tác thu hút đầu tư, tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, thu hút khách du lịch, tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, như: hội chợ, hội thảo, tọa đàm trong và ngoài nước quảng bá trên nền tảng online, thúc đẩy thanh toán điện tử.

Nhờ đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chín tháng qua ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng, tăng gần 23%; doanh thu vận tải-kho bãi ước đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng hơn 21%; doanh thu du lịch, lưu trú, ăn uống đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so cùng kỳ. Điều này góp phần đưa thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh chín tháng qua ước đạt gần 14.500 tỷ đồng, tăng hơn 25% so cùng kỳ, trong đó, tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào nguồn ngân sách tỉnh chiếm gần 79%; hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước phục hồi mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp ổn định; xuất khẩu ước đạt hơn 1,3 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 3 tỷ USD; giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động…

Nhận diện khó khăn để có các giải pháp phù hợp

Không chủ quan, tự mãn với những thành tựu đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh luôn nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát. Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động); doanh nghiệp phát sinh thuế còn thấp; năng lực quản trị, tiếp cận thông tin, công nghệ, nguồn vốn và thị trường còn hạn chế; thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn; phương án kinh doanh chưa khả thi; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhìn chung còn nhiều khó khăn,...

Đồng hành với doanh nghiệp, nhiều cuộc gặp gỡ, tọa đàm, đối thoại thông tin hai chiều được chính quyền tổ chức với tinh thần lắng nghe, chia sẻ. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã có những biện pháp đúng đắn, linh hoạt, kịp thời, thường xuyên theo dõi sát chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp... để điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Với tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp làm phương châm hành động, trên cơ sở các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, phát triển Khu kinh tế Vũng Áng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu gắn với phát triển logistics, cải cách hành chính, chuyển đổi số...; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là cơ sở để khai thông, huy động, phân bổ nguồn lực, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, thể hiện đúng tinh thần chính quyền thật sự là đối tác đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do lãnh đạo chủ chốt tỉnh dẫn đầu đã có chuyến công tác dài ngày, trực tiếp làm việc, trao đổi và thị sát thực địa một số địa phương "đầu tàu kinh tế" miền bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, qua đó mở ra những tầm nhìn mới, thu hoạch được những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, góp phần giúp Hà Tĩnh vận dụng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và huy động các nguồn lực để phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, kinh doanh.

Bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tỉnh đã và đang tích cực mời gọi, kết nối, xúc tiến đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu. Điển hình như: Tập đoàn Vingroup đề xuất dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, khảo sát đầu tư dự án Khu đô thị Vinhomes Kỳ Anh tại phường Kỳ Trinh; Công ty cổ phần Crystal Bay đề xuất dự án Công viên Trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại thành phố Hà Tĩnh; Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Tập đoàn Sun Group), Công ty cổ phần Tập đoàn Ecopark khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án đô thị sinh thái và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí... Việc xúc tiến triển khai các dự án này sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà.

Trên tinh thần "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau", Hà Tĩnh trên con đường phát triển luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt; phải làm cho cộng đồng doanh nghiệp vững tin về một chính quyền thân thiện, trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành Hà Tĩnh cam kết tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vươn cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng đất nước nói chung và phát triển tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.