Phát huy tốt hơn những động lực, duy trì tăng trưởng trong năm 2023
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022 dù còn nhiều còn khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng phục hồi trong khu vực và thế giới.
Nhiều điểm sáng trong khó khăn
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường bày tỏ ấn tượng về con số tăng trưởng, phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, đồng đều ở cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Đà phục hồi cũng diễn ra ở một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Philipines, Indonesia, trong đó, kinh tế Việt Nam là một điểm sáng.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét, năm 2022 là thời điểm đặc biệt với nhiều khó khăn phát sinh, nền kinh tế toàn cầu biến động khó lường, nhưng kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng kinh tế cao 8,02%, tăng cao nhất nếu tính từ năm 2011 đến nay, vượt kế hoạch đề ra và cũng như vượt dự báo ước tính của các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, vấn đề lạm phát là bài toán khó của nhiều nền kinh tế. Chính phủ Mỹ và hàng loạt quốc gia thế giới dùng biện pháp nâng lãi suất điều hành nền kinh tế để chống lạm phát. Đến nay, có khoảng gần 350 lần các quốc gia thế giới tăng lãi suất, tạo ra thế khó về chi phí vốn lớn, chưa kể chuỗi cung ứng đứt gẫy, vận tải tăng giá…
Trung Quốc, một nền sản xuất, cung ứng nhiều sản phẩm bị ảnh hưởng vì phong toả nhiều thành phố lớn làm nguyên vật liệu, phụ kiện của thế giới, thiếu hụt gây khó khăn cho chuỗi cung ứng nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, áp lực tỷ giá đối với đồng VND rất lớn khi nhiều đồng tiền mất giá đáng kể so với USD, ví dụ đồng Yên Nhật (JPY) giảm 30%, Bảng Anh (GBP) giảm 25%, Euro (EUR) mất giá khoảng 20%, Nhân dân tệ (CNY) mất giá khoảng 15%... dẫn đến áp lực tỉ giá của VND rất lớn.
Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành tỉ giá ở mức hợp lý, có điều chỉnh tỉ giá và lãi suất, có lúc VND mất hơn 8% so với USD, nhưng hết năm 2022, theo tính toán thì VND mất giá khoảng hơn 2,09% so với USD.
"Điều đó có nghĩa là VND đang lên giá với khả nhiều đồng tiền còn lại thế giới, việc duy trì tỉ giá ở mức ổn định tương đối giúp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, không làm xáo trộn hoạt động thương mại quốc tế. Lạm phát cơ bản ở mức thấp, bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, lạm phát của Việt Nam chỉ vào 3,15%, thuộc nhóm thấp nhất khu vực và thế giới", vị chuyên gia này phân tích.
Việc duy trì lạm phát, tỉ giá ổn định, cùng với những giải pháp thương mại quốc tế hợp lý và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), dẫn đến kết quả hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD).
Một điểm sáng nữa là tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện tăng mạnh. Tính đến ngày 20/12/2022, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước, nhưng vốn FDI thực hiện ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Con số vốn FDI thực hiện phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực tế đang đổ tiền nhiều hơn vào Việt Nam.
Việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với kết quả xuất siêu cũng như hoạt động đầu tư FDI khả quan giúp Việt Nam có thêm ngoại tệ, giảm áp lực tỉ giá.
Không chỉ có hoạt động thương mại quốc tế, mà chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định, một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cũng là mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng. Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%). Điều đó cho thấy xu hướng người dân quay trở lại chi tiêu sôi động hơn.
"Điều này rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường quốc tế gặp khó khăn chung, bị giảm đơn hàng, việc tiêu dùng trong nước có thể coi là động lực thúc đẩy DN sản xuất kinh doanh, chú ý hơn đến thị trường nội địa trong giai đoạn kinh tế quốc tế ảm đạm thời gian tới", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Cần tiếp tục triển khai các chương trình quyết liệt
Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng nguyên nhân quan trọng tạo ra những dấu ấn về tăng trưởng cũng như các cân đối lớn được bảo đảm là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ và sự nỗ lực của cộng đồng DN. Để phục hồi kinh tế, với Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội với chương trình hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng với hàng loạt biện pháp giúp cho DN nền kinh tế hồi phục, có hỗ trợ cho người lao động, an sinh xã hội…
Đáng chú ý, Việt Nam đã có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, góp phần giảm giá hàng hoá, giảm giá nguyên vật liệu đầu vào. Hay trước trước tình hình giá xăng dầu quốc tế tăng cao, Bộ Tài chính, Chính phủ đã chủ động xem xét giảm kịch khung thuế bảo vệ xăng dầu, giúp giảm bớt khó khăn, người dùng xăng dầu cũng như giảm gánh nặng chi phí cho các DN, thúc đẩy nền kinh tế hồi phục…
Năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục giảm 37 loại phí, lệ phí, giãn hoãn tiền thuê đất, quản lý giá cả nền kinh tế tốt hơn.
"Các chính sách tài khoá kịp thời giúp giảm chi phí, kích thích sản xuất kinh doanh, góp phần cùng với chính sách tiền tệ giải bớt áp lực lạm phát", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Dưới góc nhìn quốc tế, chuyên gia Nguyễn Minh Cường nhận định, mức độ khó khăn của kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó, Việt Nam cần nhận diện và có giải pháp kịp thời.
Trước tiên là ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây sức ép giá dầu, nhiên liệu. Dù các bên đã có giải pháp nhân nhượng ban đầu nhưng chưa thấy triển vọng rõ rệt.
"Lạm phát chưa thật sự chấm dứt dù có xu hướng hạ nhiệt. Các ngân hàng trung ương vẫn cảnh giác, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) vẫn giữ quan điểm cứng rắn, chưa thể "bình thường hoá" ngay chính sách tiền tệ, xu hướng chủ đạo vẫn là chính sách thắt chặt, hơn nữa việc phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc cũng là yếu tố cần quan sát có thể tác động đến lạm phát, hay vấn đề thiếu năng lượng…
Về nội tại, sau 3 năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ một số điểm yếu từ trước đó như: Dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, thị trường vốn chưa phát triển như kỳ vọng...
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB đánh giá cao động thái kịp thời của Chính phủ và NHNN trước những diễn biến tăng lãi suất của Fed và các nước khác.
"Mức độ tăng lãi suất của Việt Nam hoàn toàn nằm trong khoảng chấp nhận được, ngoài ra điều hành tỉ giá NHNN đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ là kịp thời, giải toả sức ép, ngăn đà mất giá của VND", ông Nguyễn Minh Cường nói.
Đáng chú ý, vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 4 Công điện liên quan đến các vấn đề nóng: Tín dụng, trái phiếu DN, bất động sản và lao động. Đây là những chỉ đạo hết sức kịp thời, để giải quyết những khó khăn phát sinh thúc đẩy tăng trưởng cũng như giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội.
Trong đó, NHNN ngay lập tức thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, họp bàn cũng các ngân hàng thương mại triển khai việc nới room tín dụng. Nhu cầu tín dụng để nền kinh tế phục hồi tăng cao khiến hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép lớn về mở rộng tín dụng, tuy nhiên, chuyên gia của ADB khuyến nghị không nên hạ chuẩn mực quản trị vốn.
"Hệ thống ngân hàng sau bao nhiêu năm đạt mức tương đối theo chuẩn mực quốc tế, nếu giờ nới chuẩn mực ra sẽ ảnh hưởng đến an toàn vốn và nợ xấu, rủi ro không chỉ của hệ thống ngân hàng. Khó khăn nợ công có thể giải quyết được trong 2, 3 năm, tuy nhiên để nợ xấu có khi cả chục năm không giải quyết hết được", ông Nguyễn Minh Cường lưu ý.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, trong năm 2023, cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, sau khi trải qua những thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch, trong khi đó, mức độ bao phủ của bảo hiểm vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu, có hiện tượng người động rút bảo hiểm sớm.
Đặc biệt, Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ khả năng giải ngân đầu tư công để phát huy tốt hơn vai trò đòn bẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn vốn dành cho lĩnh vực này khoảng 2 triệu tỷ đồng, khoảng 80 tỷ USD, tính sơ bộ 1 năm phải giải ngân được 16 tỷ USD.
"Có rất nhiều việc phải làm, trải qua nhiều cấp, bộ ngành, với nhiều điều kiện như môi trường, xã hội, giải phóng mặt bằng, hiện tại còn mất nhiều thời gian, cần giải quyết sớm vấn đề đầu tư công để cải thiện khả năng hấp thụ vốn", ông Nguyễn Minh Cường nói.
Chuyên gia của ADB cũng lưu ý, dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện không còn nhiều, nếu không thận trọng có thể dẫn đến rủi ro hệ thống. Do đó, chính sách tài khoá như điều chỉnh thuế cần tiếp tục vào cuộc vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ trong việc phục hồi tăng trưởng.
"Trong năm 2023, dù tình hình còn nhiều khó khăn, ADB vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam và cho rằng đây vẫn là một điểm sáng phục hồi trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ trong nhận diện rủi ro và có các giải pháp điều chỉnh chính sách hợp lý, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, thách thức", ông Nguyễn Minh Cường bày tỏ.