Phát huy tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2025

Thùy Linh

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành Tài chính tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần sáng tạo, quyết liệt để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2025, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đóng góp vô cùng quan trọng của ngành Tài chính

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình năm 2024 có nhiều thời cơ thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức nhiều hơn do chiến sự lan rộng, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh mạng… phức tạp. Cùng với đó, cũng có những vấn đề tồn tại có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện như: già hóa dân số, biến đổi khí hậu... Trong khi Đất nước ta đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn yếu, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng sự đồng hành của Nhân dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của ngành Tài chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ngành Tài chính có một năm bội thu, hoàn thành xuất sắc công tác thu chi. Theo đó, thu tăng - chi tiết kiệm, thu ngân sách tăng tương đối khoảng 19-20%, số tuyệt đối ít nhất 300 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác tiết kiệm chi được đánh giá cao với việc tiết kiệm 10% ngay từ đầu năm. Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên thêm 5%. Như vậy, tổng tiết kiệm chi thường xuyên của năm 2024 vào khoảng 6.000 tỷ đồng. Con số này được dùng để đầu tư phát triển hạ tầng và xoá nhà dột nát, nhà tạm cho Nhân dân, các đối tượng thuộc diện nghèo, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là việc làm cực kỳ ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Trong năm 2024, ngành Tài chính cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách tài chính trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quan trọng. Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành 1 Luật sửa 9 Luật. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng một số luật quan trọng khác. 

Ngành Tài chính cũng thực hiện điều hành chính sách tài khóa theo hướng mở rộng, trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định và kiểm soát lạm phát. Năm 2024, Ngành đã phát huy được vai trò tích cực của chính sách tài khoá bằng việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; từ đó tháo gỡ khó khăn cho người dân doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng góp phần kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đảm bảo chỉ tiêu được giao; điều hành tốt thị trường giá cả, nâng cao năng lực điều hành thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.

Đặc biệt, thời gian qua, Ngành đã làm tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan. 2024 là năm thứ 10 liên tiếp Bộ Tài chính dẫn đầu chỉ số về cải cách hành chính; tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng.

“Các nhiệm vụ của ngành Tài chính được đặt ra trong năm 2024 đã cơ bản hoàn thành. Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng phấn đấu, đoàn kết, thống nhất của toàn Ngành để góp phần vào kết quả chung của Đất nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Từ những kết quả của ngành Tài chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm trong thời gian tới. Đó là đoàn kết, thống nhất "trên dưới đồng lòng"; tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển Đất nước. Ngành Tài chính cũng cần phát huy tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm từ đó tạo ra không gian để huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng đổi mới, sáng tạo để khai thác hiệu quả mọi nguồn lực. Đồng thời, cũng cần thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các nhiệm vụ trong năm 2025 cho Bộ Tài chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các nhiệm vụ trong năm 2025 cho Bộ Tài chính.

Phát huy tinh thần sáng tạo, quyết liệt, bứt phá về đích

Đánh giá về năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là năm tăng tốc, bứt phá để về đích trong bối cảnh diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước. Đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài chính đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo toàn Ngành thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau:

Thứ nhất, thời gian tới, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bởi đây là cuộc "cách mạng" lớn của Đất nước nhằm mục tiêu giảm bớt đầu mối, khâu trung gian cũng như thủ tục hành chính. Cần lựa chọn những người có tâm huyết, năng lực và trách nhiệm cho bộ máy tổ chức mới. Song song với đó là làm tốt công tác tư tưởng trong sắp xếp với tinh thần "cùng phát triển, cùng làm, cùng hưởng".

Thứ hai, ngành Tài chính cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế để tập trung mọi nguồn lực cho phát triển. Theo đó, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đầu tư, đấu giá, đấu thầu. Bộ Tài chính cần chủ động rà soát, tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác pháp chế.

Thứ ba, trong năm 2025, Bộ Tài chính cần chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối các nguồn lực lớn của nền kinh tế.

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác quản lý thu – chi ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. Phấn đấu tăng thu, giảm chi, tiết kiệm chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao nhất.

Thứ năm, tiếp tục củng cố, thúc đẩy phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, bảo hiểm; tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo kênh thu hút vốn đầu tư hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường kỉ luật, kỉ cương hành chính, tăng cường thanh tra kiểm tra; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng già hàng nhái và hàng không rõ xuất xứ.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính sách để số hoá thu chi ngân sách. Đáng chú ý, trong thu ngân sách phải thực hiện hiệu quả hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tình tiền, tiến tới xây dựng quy định bắt buộc sử dụng loại hoá đơn này.

Thứ tám, chủ động  tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế; theo dõi, đánh giá diễn biến cạnh tranh thương mại với các nước lớn để có giải pháp phát triển kịp thời, phù hợp; tăng cường hợp tác tài chính tại các diễn đàn đa phương được tổ chức hàng năm.

“Ngành Tài chính trong năm 2025 cần tiếp tục nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt. Tích cực tăng thu, tiết kiệm chi; đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các dự án hạ tầng chiến lược. Đặc biệt, toàn Ngành cần đoàn kết, thống nhất nội bộ, phát huy tinh thần sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Tôi kỳ vọng và tin tưởng, với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của toàn ngành Tài chính sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Đất nước trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị.