Phát triển bất động sản dịch chuyển về vùng ven

Theo Minh Quang/thoibaonganhang.vn

Nhiều chuyên gia dự báo, khi giá bất động sản (BĐS) tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh không có sự đột biến, thậm chí có dự án còn giảm giá bằng nhiều hình thức, thì các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ, các nhà phát triển BĐS có xu hướng dịch chuyển hoạt động ra các tỉnh lân cận.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Theo nhận định của các đơn vị nghiên cứu về BĐS, dù thị trường có sự sụt giảm nguồn cung trong quý II/2018 so với đầu năm, nhưng những tháng cuối năm có thể sẽ khả quan về giao dịch cũng như nguồn cung mới. Cụ thể, từ quý III/2018 trở đi, khá nhiều DN địa ốc rục rịch ra hàng, đón sóng thị trường đến cuối năm.

Đặc biệt, việc Việt Nam đang dần trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á đang khá hấp dẫn các DN ngoại. Nguồn vốn FDI được rót vào các thị trường lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương...

Sự phát triển của các khu công nghiệp chẳng những dẫn đến những biến động về dân số, mà còn kéo theo những phát sinh về hạ tầng giao thông, nhu cầu nhà ở, nhà cho thuê, các khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí… phục vụ các chuyên gia, quản lý cao cấp, cán bộ công nhân viên làm việc tại đây.

Nhiều chuyên gia dự báo, khi giá cả BĐS tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh không có sự đột biến về giá, thậm chí có dự án còn giảm giá bằng nhiều hình thức thì các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ, các nhà phát triển BĐS có xu hướng dịch chuyển hoạt động ra các tỉnh lân cận. Bởi nơi đây hấp dẫn hơn do giá cả và các ưu đãi đầu tư mạnh của nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.

Thực tế nhiều năm qua, các chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài làm việc tại các nhà máy vẫn phải di chuyển cả trăm cây số mỗi ngày về Hà Nội nhằm hưởng sự đồng bộ và hiện đại của tiện ích, dịch vụ.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ của lực lượng lao động nước ngoài và tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, nhiều ông lớn như Vingroup, FLC, Mường Thanh, Him Lam... đồng loạt tiến về các tỉnh lân cận với những dự án ở phân khúc đất nền phân lô và nhà ở thấp tầng, hay condotel, chung cư cao cấp, nhà phố thương mại (shophouse), khách sạn 5 sao...

Đơn cử, tại TP. Thái Nguyên, cùng với lượng giao dịch BĐS tăng thì tỷ lệ hấp thụ cũng khá tốt. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, có 778/3.000 căn chung cư, 912/gần 2.000 đất nền và 466 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề đã có chủ.

Góp phần làm đa dạng nhu cầu nhà ở, Vingroup sẽ tham gia chuỗi nhà ở giá rẻ đầu tiên với thương hiệu Happy Town. Ngày chính thức bung hàng chưa được công bố, song thông tin trên cũng là tín hiệu vui cho người dân lao động, công nhân tại 3 tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động nhập cư là Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Theo đó, họ có thêm cơ hội sở hữu căn nhà mơ ước, với mức giá chỉ từ gần 200 triệu đồng/căn hộ, diện tích tối thiểu từ 30 m2.

Theo tính toán của nhà phát triển BĐS này, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, với 1,7 triệu người cần nhà ở. Tuy nhiên, thị trường mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu.

Với bước đi này, Vingroup đang góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh bền vữngTrong điều kiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ. Kết nối các phương tiện vận tải chưa hiệu quả, tạo lập các khu đô thị hoàn chỉnh, khép kín ngay tại địa phương là hướng phát triển cần nhân rộng.

Ở chiều ngược lại, xu hướng này cũng góp phần giảm tải cho Hà Nội nói chung.