Thị trường bất động sản lan tỏa về các vùng, miền

Theo Phan Nam/vneconomy.vn

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản, thị trường bất động sản đến nay đã không còn là sự độc tôn của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang mà đã trở nên sôi động trên hầu hết các vùng miền, lan tỏa cả đến những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh như Tây Nguyên, Tây Bắc...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

"Tại các thành phố lớn, giá cả bất động sản gần như không có tỷ lệ tăng cao như vài năm trước đây. Thậm chí, có nhiều dự án còn giảm giá bán bằng nhiều hình thức. Do không còn sức hấp dẫn nên các nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ và thậm chí là cả các nhà phát triển bất động sản có quy mô nhỏ và vừa đã dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới tại các tỉnh lẻ, nơi có sức hấp dẫn hơn do giá cả và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là có sự đầu tư mạnh của chính nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Những đối tượng này thực sự đã làm thay đổi, làm sôi động thị trường bất động sản tại các khu vực mới này", Hiệp hội Bất động sản nhận định.

Giao dịch sôi động ở cả ba miền

Lượng giao dịch và giá bán nhà ở đã tăng mạnh ở một số tỉnh phía Bắc. Ví như tại TP. Thái Nguyên, lượng cung nhà ở được ghi nhận là gần 3.000 căn chung cư, gần 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thự, liền kề được chào bán.

Tỷ lệ hấp thụ cũng tương đối lớn. Tính chung 6 tháng đầu năm nay có 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và 466 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề được giao dịch trên địa bàn thành phố.

Trong số đó, các sản phẩm giao dịch chủ yếu thuộc các dự án: TBCO riverside, Tecco Thái Nguyên, Khu đô thị Cosy Gia Sàng... Mức giá bán căn hộ chung cư dao động từ 8 – 14 triệu đồng/m2

Sau hội nghị xúc tiến thương mại ngày 1/7/2018, Thái Nguyên đã thu hút được hơn 46.000 tỷ đồng để đầu tư vào địa phương, trong đó có nhiều dự án được đầu tư vào thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng, làm cho thị trường này càng thêm sôi động. 

Tại tỉnh Quảng Ninh, không chỉ tập trung vào ba khu vực chính là TP. Hạ Long, TP. Móng Cái và Vân Đồn, ở những thành phố mới như Cẩm Phả, Uông Bí, số lượng giao dịch đất nền cũng đang gia tăng. 

Tại tỉnh Bắc Ninh có hơn 10.000 sản phẩm nhà ở liền kề được phát triển tập trung tại các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như: TP. Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong. Lực hấp thụ tại các dự án hiện nay khá tốt, thường đạt trên 60% lượng giao dịch cho mỗi đợt ra hàng.

Các tỉnh khác như Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An... cũng xuất hiện nhiều dự án phát triển nhà ở và có lượng giao dịch rất sôi động.

Sức tiêu thụ bất động sản rất mạnh

Trong khi đó, ở khu vực miền Trung, hiệu ứng sôi động của thị trường bất động sản Đà Nẵng và Nha Trang đã lan tỏa ra các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Thuận... Các nhà đầu tư chuyển dòng vốn của mình sang các tỉnh này do đây là các thị trường mới nổi, có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển du lịch.

Ở khu vực phía Nam, sức tiêu thụ bất động sản cũng rất mạnh. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có tổng lượng cung 3.794 nền đất trong quý 2/2018; Sức tiêu thụ đạt trên 90% và đạt 3.586 sản phẩm được giao dịch thành công; tại tỉnh Long An, có lượng cung mới tung ra thị trường là 2.751 sản phẩm đất nền. Lượng giao dịch thành công đạt 2.250 sản phẩm, xác lập tỷ lệ tiêu thụ đạt trên 80%. 

Một số tỉnh khác như Bình Dương, Biên Hòa,...cũng đạt những giao dịch rất sôi động. Ngoài sản phẩm đất nền tại các khu vực này cũng đã xuất hiện nhiều dự án chung cư có giá không thua kém các sản phẩm tương đương tại TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ hấp thụ đều đạt từ 60 - 80% giao dịch thành công cho mỗi đợt ra hàng.

Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại Cần Thơ tiếp tục sôi động ở phân khúc nhà ở và đất nền riêng lẻ. Những tháng gần đây, đất nền dự án nhiều nơi tại TP. Cần Thơ tăng giá chóng mặt. Những khách hàng có nhu cầu nhà ở thực sự cũng tăng rõ rệt đã làm tăng mật độ dân cư, mật độ xây dựng ở các khu đô thị mới.

Nếu trước đây, nhà đầu tư chủ yếu tìm kiếm đất thổ cư tại Ninh Kiều để đầu tư thì hiện tại do nhu cầu mua tăng cao, họ có xu hướng đổ về vùng ven một số quận như Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn... khu vực có giá đất mềm hơn để đầu tư kiếm lời. Từ đó khiến giá đất tăng 30 - 40% trong vòng vài tháng.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các dự án ở Cần Thơ là những dự án cũ, nhà đầu tư thứ cấp sau một thời gian dài "ôm" hàng đã bán ra gần hết. Còn lại thị trường chủ yếu là người mua để ở, tỉ lệ là 6/4 (60% mua ở, 40% đầu tư). Ngoài ra, ngân hàng siết chặt cho vay cũng ảnh hưởng phần nào đến giao dịch của thị trường. 

Đến nay, nhiều nhà đầu tư lại có xu hướng chuyển dòng vốn sang các khu vực lân cận Cần Thơ như Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang (các địa phương này có giá bán nền đất khá mềm, từ 5 - 7 triệu đồng/m2) để "săn đất" bán chênh. Các dự án gần các khu công nghiệp đông đúc ra hàng, lướt sóng khá dễ đang có sức hút mạnh người mua.