Phát triển các quỹ tín dụng nhân dân khu vực Đồng bằng sông Hồng

TS. Nguyễn Xuân Điền - Học viện Tài chính

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã và đang giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương, tác động cả trực tiếp và gián tiếp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng địa phương theo hướng rất tích cực. Đến hết năm 2015, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã có 483 quỹ tín dụng cơ sở đang hoạt động rải rác tại 11 tỉnh và thành phố.

Hệ thống quỹ tín dụng cơ sở đang tác động tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nguồn: Internet.
Hệ thống quỹ tín dụng cơ sở đang tác động tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nguồn: Internet.

Sự phát triển của các quỹ tín dụng cơ sở đã góp phần lành mạnh hóa các quan hệ tài chính ở các vùng nông thôn và giải quyết nhu cầu vốn tại chỗ cho sản xuất kinh doanh với hàng chục ngàn tỷ đồng đã được huy động, phục vụ hàng triệu khách hàng mỗi năm.

Tình hình phát triển quỹ tín dụng nhân dân ở Đồng bằng sông Hồng

Tính đến hết năm 2015, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã có 483 quỹ tín dụng cơ sở đang hoạt động rải rác ở 11 tỉnh và thành phố. Trong đó, số lượng quỹ tín dụng cơ sở của 4 tỉnh và Thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên là 311 quỹ chiếm 64,3 %, 7 tỉnh còn lại chỉ chiếm 35,7 % với 172 quỹ.

Theo Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân, đến hết năm 2013 cả nước có 1.200 quỹ đang hoạt động với tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Số lượng quỹ tín dụng cơ sở của vùng chiếm 40,25% tổng số quỹ trên cả nước và 63 % tổng nguồn vốn huy động toàn hệ thống.

Hệ thống quỹ tín dụng cơ sở đã và đang giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương, tác động cả trực tiếp và gián tiếp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng địa phương theo hướng rất tích cực. Sự phát triển của các quỹ tín dụng cơ sở đã góp phần lành mạnh hóa các quan hệ tài chính ở các vùng nông thôn và giải quyết nhu cầu vốn tại chỗ cho sản xuất kinh doanh với hàng chục ngàn tỷ đồng đã được huy động, phục vụ hàng triệu khách hàng mỗi năm.

Kết quả sơ bộ này cho thấy, các quỹ tín dụng vùng Đồng bằng sông Hồng đã có những kết quả vượt bậc so với các vùng khác trong cả nước.

Mặc dù các quỹ tín dụng đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, sau hơn 20 năm thành lập, quỹ tín dụng cơ sở nói chung và ở vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng, các quỹ cơ sở đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Những khó khăn, tồn tại xuất phát từ những nguyên nhân khác quan do môi trường hoạt động và chủ quan do chính bản thân các quỹ đã và đang là những trở lực đối với sự phát triển của chính các quỹ.

Giải pháp phát triển các quỹ tín dụng ở Đồng bằng sông Hồng

Đối với quỹ tín dụng cơ sở

Một là, xây dựng chiến lược hoạt động cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể

Dịch vụ tín dụng đã và đang bước vào một giai đoạn cạnh tranh mạnh. Cạnh tranh giữa chính các quỹ cơ sở với nhau và cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác như các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Chính vì thế, các quỹ cần phải có chiến lược rõ ràng trong quá trình hoạt động kinh doanh. Quy mô nhỏ, không đồng đều, ở các địa phương với đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau, do đó không thể có một chiến lược nào chung, cụ thể, áp dụng cho tất cả các quỹ.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động các quỹ mới chỉ dừng lại ở con số chỉ tiêu kế hoạch chung chung hàng năm mà chưa có giải pháp cụ thể hay những phân tích đánh giá nào được thực hiện.

Theo đề xuất này, các quỹ cơ sở cần xây dựng chiến lược họat động từng giai đoạn: Xác định mục tiêu chiến lược cho cho từng giai đoạn; Phân tích các yếu tố môi trường bên ngoài từ đó chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với mục tiêu của quỹ; Phân tích, đánh giá các yếu tố thuộc bản thân các quỹ; Đánh giá lại mục tiêu chiến lược của quỹ; Xây dựng những chiến lược tương ứng, lựa chọn chiến lược tốt nhất để thực hiện, nghĩa là tương ứng với mục tiêu, kết hợp điều kiện thực tế bên trong và bên ngoài mỗi quỹ tín dụng sẽ có những chiến lược cụ thể. Vì mỗi quỹ có điều kiện khác nhau nên các chiến lược được lựa chọn cũng khác nhau.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mọi tổ chức kinh doanh. Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, chất lượng nguồn nhân lực lại càng trở nên quan trọng, mang tính chất sống còn. Vì thế, để phát triển bền vững trong tương lai, đối với hệ thống các quỹ tín dụng, nguồn nhân lực cần được ưu tiên hàng đầu.

Qua khảo sát thực tế các quỹ tín dụng tại một số địa phương của vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy, chất lượng nhân lực kém, không đồng đều, hầu hết chưa qua đào tạo đang là một trong số các nguyên nhân cơ bản gây cản trở sự phát triển của các quỹ. Do vậy, để có lực lượng lao động có chất lượng, các quỹ tín dụng cần phải thực hiện một số biện pháp cụ thể:

- Đối với lực lượng lao động hiện tại, cần rà soát, chọn ra những người trong độ tuổi, chưa được đào tạo để cho đi đào tạo các khóa về chuyên ngành tài chính tín dụng dưới dạng không chính quy tại địa phương hoặc tại cơ sở đào tạo.

- Trong tuyển dụng lao động mới, các quỹ nên xây dựng quy chuẩn đối với người lao động, thống nhất tiêu chuẩn tốt nghiệp cao đẳng trở lên, đúng chuyên ngành yêu cầu.

- Đối với những người quá độ tuổi để đào tạo, kể cả những người đang giữ trọng trách lãnh đạo tại các quỹ, cần chuyển đổi, bố trí công việc phù hợp năng lực, không tham gia công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

- Đối với người lao động đã có văn bằng chứng chỉ nghiệp vụ, hàng năm, hàng kỳ phải tiến hành đào tạo lại thông qua các hình thức như tập huấn nghiệp vụ, cập nhật chính sách, chế độ mới ban hành, tạo mọi điều kiện cho người lao động đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc.

Ba là, xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá, truyền thông hiệu quả.

Hiện tại, các quỹ tín dụng trong vùng chưa có một hoạt động hay một chương trình quảng bá nào hoàn chỉnh được thực hiện, ngoài các chương trình phát thanh của đài phát thanh xã, hoạt động hội họp của UBND xã và Hội Phụ nữ. Nhiều người dân có nhu cầu nhưng vẫn chưa biết sự tồn tại, địa vị pháp lý, mô hình hoạt động và giá trị thực của các quỹ tín dụng.

Để người dân cũng như khách hàng biết và hiểu nhiều hơn về các quỹ tín dụng cơ sở, chính bản thân các quỹ phải xây dựng và lựa chọn, thực hiện, các chương trình quảng bá hiệu quả. Đó là, tiếp tục sử dụng hệ thống đài phát thanh của địa phương với tần suất và khung giờ hợp lý hơn, nhằm đưa được nhiều thông tin về quỹ đến với người dân địa phương.

Thông qua các cơ quan đoàn thể tại địa phương như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Cử cán bộ của quỹ xuống tham gia giới thiệu về sản phẩm dịch vụ, quy trình và cách tiếp cận dịch vụ của các quỹ. Thông qua các tổ chức đoàn thể, quỹ và các dịch vụ của quỹ đến với các cộng đồng dân cư nhanh và hiệu hơn…

Bốn là, hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức, quy định rõ chức năng nhiệm vụ của bộ phận kiểm soát nội bộ.

Cơ cấu bộ máy chưa ổn định là đặc thù và là điểm yếu cần khắc phục của hệ thống các quỹ tín dụng cơ sở hiện nay. Trong đó, bộ phận kiểm soát (Ban kiểm soát) hoạt động theo kiểu hình thức. Rất nhiều tình huống rủi ro đã xảy một phần là do bộ phận kiểm soát nội bộ không có năng lực.

Để khắc phục tình trạng này, các quỹ cần phải tổ chức bộ máy phù hợp bao gồm các bộ phận như: Tín dụng, giao dịch, kế toán và kiểm soát nội bộ. Tất cả các bộ phận cần phải được trang bị chuyên môn nghiệp vụ, thiết bị, công cụ phục vụ công việc.

Riêng đối với bộ phận kiểm soát cần được coi là một bộ phận độc lập trong cơ cấu, hoạt động với chức năng riêng, đó là kiểm tra, kiểm soát tất cả các hoạt động của quỹ.

Để bộ phận này hoạt động hiệu quả, cần phải xây dựng một quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thống nhất trong quỹ. Các quỹ mời các tổ chức tư vấn như các công ty Kiểm toán độc lập, các chuyên gia về bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát và xây dựng quy trình kiểm soát.

Đối với chính quyền địa phương

Thứ nhất, giảm bớt sự can thiệp vào công tác nhân sự chủ chốt của các quỹ.

Việc chính quyền các địa phương (cấp xã) trong giai đoạn đầu (thành lập quỹ) chỉ định cán bộ sang làm lãnh đạo, sau đó là giới thiệu nhân sự lãnh đạo quỹ, theo cách này người được giới thiệu thường là cán bộ xã, đảm bảo về uy tín, đạo đức.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ, cách này không còn phù hợp bởi những người lãnh đạo quỹ hiện nay không phải chỉ đáp ứng về phẩm chất chính trị, uy tín mà còn phải am hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó, việc lựa chọn lãnh đạo các quỹ đối với các vị trí chủ chốt, chính quyền các xã nên để các quỹ tự quyết định. Trong quá trình này, chính quyền địa phương chỉ nên đóng vai trò định hướng, phê duyệt báo cáo sau khi các quỹ đã hoàn tất công tác nhân sự.

Thứ hai, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các quỹ hoạt động. Mức độ hỗ trợ của chính quyền các địa phương thể hiện ở các hoạt động cụ thể: Hỗ trợ truyền thông, quảng cáo, an ninh trật tự, cho mượn, cho thuê hoặc cấp đất cho các quỹ xây dựng trụ sở, văn phòng.

Đối với ngân hàng Nhà nước từ Trung ương đến địa phương

Một là, điều chỉnh và ban hành các chính sách phù hợp.

Qua thực tế phân tích, đánh giá của các cơ quan chuyên trách và những đề xuất của hệ thống các quỹ cơ sở, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế môi trường hoạt động của các quỹ.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đối với các quỹ tín dụng. Trong đó, cũng có một số chính sách chưa thực sự phù hợp, đã tạo thành trở ngại trong hoạt động của các tổ chức này. Do vậy, trong thời gian tới, cần thiết phải điều chỉnh chính sách quản lý nhưng phải đảm bảo sự phù hợp: (i) Với điều kiện hoạt động và mô hình của các quỹ; (ii) với điều kiện thực tế của môi trường hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung, hệ thống quỹ cơ sở nói riêng.

Kết quả khảo sát 56/71 quỹ cơ sở tại tỉnh Hải Dương vào tháng 3/2015 cho thấy, 70,9 % các ý kiến cho rằng, “cần thiết phải có sự điều chỉnh hết sức phù hợp” của Ngân hàng Nhà nước đối với các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của các Quỹ tín dụng cơ sở đang hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong khảo sát này cũng có 14,5% ý kiến cho rằng, không cần điều chỉnh, 14,5% số quỹ được khảo sát không nêu quan điểm về vấn đề này.

Hai là, xác định rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với sự tồn tại và phát triển của các quỹ tín dụng cơ sở.

Trong quá trình hoạt động của các quỹ không thể thiếu vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy vậy, vai trò của Ngân hàng Nhà nước được nhìn nhận và thể hiện như thế nào là vấn đề rất được các quỹ cơ sở quan tâm (xem Hình 1).

Phát triển các quỹ tín dụng nhân dân khu vực Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1

Hình 1 cho thấy, kết quả phân tích về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ, tín dụng từ địa phương đến Trung ương nên như thế nào đối với quá trình hoạt động của các qũy tín dụng. Kết quả tổng hợp cũng cho thấy, 73,2% ý kiến cần duy trì “giám sát và định hướng”, 20% ý kiến cho rằng, “giữ vai trò giám sát”, chỉ 5,5% ý kiến“giữ vai trò định hướng”.

Như vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của hệ thống các quỹ tín dụng cơ sở, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp khác nhau, mỗi nhóm giải pháp thuộc về một chủ thể nhất định, trong đó nhóm giải pháp từ phía các quỹ tín dụng cơ sở nhiều nội dung nhất. Hệ thống các giải pháp này phải được thực hiện đồng thời, thống nhất mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Quốc Lý, “Nâng cao nguồn lực tài chính của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương và các Quỹ tín dụng nhân dân, Thông tin Quỹ Tín dụng Trung ương, 2009 (01);

2. Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, Dự án “Nghiên cứu và đề xuất chính sách thương hiệu cho quỹ tín dụng nhân dân Trung ương”, 2013;

3. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương, Báo cáo kết quả hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân, Lưu hành nội bộ, 2013,2014,2015;

4. Chính phủ, Nghị định số 48/2001/NĐ- CP ngày 13/8/2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân.