Phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng phát triển dựa trên nền tảng internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Bối cảnh đó đòi hỏi sự thay đổi phương thức, cách thức lãnh đạo của bộ máy chính quyền, dẫn đến sự hình thành và phát triển chính phủ điện tử, nhằm thích ứng với yêu cầu quản lý trong hiện tại và tương lai.
Bài viết nghiên cứu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến quá trình phát triển chính phủ điện tử, thực trạng phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp để Chính phủ có thể tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức, hướng đến mục tiêu phát triển chính phủ điện tử một cách hiệu quả và bền vững.
Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam
Cơ hội phát triển Chính phủ điện tử
Về cơ bản, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để triển khai và gia tăng hiệu quả của chính phủ điện tử (CPĐT). Những thành tựu của CMCN 4.0 tạo nên những bước đột phá để ứng dụng trong hoạt động của Chính phủ, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Trên cơ sở đó, việc triển khai CPĐT đạt được hiệu quả và rút ngắn thời gian triển khai.
Khái niệm này được công bố lần đầu vào tháng 6/2018 bởi Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo. Đây là bước phát triển mới từ của hình thái CPĐT - nơi áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định đối với các hoạt động chính yếu của khu vực công, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ công, thực hiện nghĩa vụ công dân hay đánh giá cán bộ, công chức.
CMCN 4.0 cũng mang lại cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại và đi tắt đón đầu. Những thành tựu phát triển công nghệ của CMCN 4.0 tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động trao đổi thông tin, đối thoại, chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia và các địa phương bất kể khoảng cách về không gian và địa lý. Điều này góp phần kiến tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật để triển khai CPĐT một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Thách thức cho phát triển Chính phủ điện tử
Một là, CMCN 4.0 đặt ra thách thức về kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu kiểm soát an toàn, an ninh thông tin cấp thiết hơn bao giờ hết. Chỉ khi kiểm soát được điều này, quá trình triển khai CPĐT mới bền vững. Bối cảnh CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp nhằm xây dựng một không gian thông tin có chất lượng, tôn trọng nhu cầu nhận các tin tức chất lượng và xác thực của công dân và xã hội. Đồng thời, xây dựng một hệ thống đảm bảo an ninh cá nhân cho người sử dụng, tính bảo mật thông tin của họ.
Hai là, CMCN 4.0 có thể dẫn đến “khoảng cách số” ngày càng xa, tình trạng bị tụt hậu, bị “bỏ rơi” và lạc lõng của một bộ phận trong xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của CPĐT đòi hỏi trình độ dân trí cũng cần được cải thiện với mức độ tương ứng. Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ dân trí phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: Truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, chính sách văn hóa, xã hội, giáo dục… Vì vậy, xu hướng CMCN 4.0 diễn ra quá nhanh và không đồng bộ, tương thích với trình độ dân cư, có thể dẫn đến tình trạng bị tụt hậu, bị “bỏ rơi” và lạc lõng của một bộ phận dân cư trong quá trình triển khai CPĐT.
Ba là, CMCN 4.0 đặt ra thách thức về xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao trong quá trình triển khai CPĐT. CMCN 4.0 có thể tác động đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động và nguy cơ thất nghiệp. Máy móc tự động hóa dần thay thế lao động thủ công. Người lao động muốn tồn tại thì phải nâng cao trình độ để thích ứng với phương thức sản xuất hiện đại. Vì vậy, sự phát triển của CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực tương lai nói chung và nguồn nhân lực trong khu vực công nói riêng. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục cần thay đổi và phát triển, để có thể tạo ra nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo và làm việc với công nghệ thông minh.
Bốn là, CMCN 4.0 có thể dẫn đến sự cứng nhắc, máy móc trong quá trình quản lý và giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức. Xuất phát từ đặc trưng “điện tử”, các hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ công trong CPĐT cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, thủ tục đã quy định. Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước là khá phức tạp với sự đa dạng và phong phú, biến đổi liên tục của đối tượng quản lý. Vì thế, sự cứng nhắc của máy móc trong quá trình giải quyết công việc đôi lúc sẽ gây ra khó khăn trong việc giao tiếp giữa chính quyền và người dân cũng như các nhóm công chúng liên quan khác...
Phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Xây dựng thể chế về Chính phủ điện tử
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền đã xây dựng, ban hành một số văn bản pháp luật, tạo cơ sở hành lang pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy triển khai CPĐT như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2006; Luật An ninh mạng năm 2018.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản dưới luật cũng góp phần cụ thể hóa các quy định pháp luật và định hướng sự phát triển CPĐT. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về CPĐT đã nêu rõ mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển CPĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về CPĐT theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”.
Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 cũng đã xác định mục tiêu: “Hoàn thiện nền tảng CPĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN; phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng”.
Ngoài ra, còn có các văn bản quan trọng khác như: Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020... Đặc biệt, ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về CPĐT, tạo đầu mối tổ chức xây dựng và triển khai chiến lược CPĐT một cách thống nhất. Những hành lang pháp lý quan trọng trên bước đầu góp phần củng cố cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển CPĐT tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng trống đối với những quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; còn thiếu các chuẩn đánh giá cụ thể đối với CPĐT trong từng lĩnh vực quản lý; thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án CNTT; thiếu quy định cụ thể về định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử; còn thiếu gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc...
Phát triển dịch vụ công trực tuyến
Qua 3 kỳ đánh giá vào các năm 2014, 2016 và 2018 cho thấy, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đã liên tục tăng (từ mức 0,47 năm 2014 lên mức 0,51 vào năm 2016 và đạt trên 0,59 vào năm 2018), đưa Việt Nam tăng từ hạng 99 (năm 2014) lên 89 (năm 2016) và tiếp tục nâng lên thứ hạng 88/193 quốc gia trong năm 2018, đứng thứ 6/11 trong khu vực ASEAN về chỉ số phát triển CPĐT.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển CPĐT khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đến người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện. Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đã tăng 15 bậc so với xếp hạng của Liên Hợp quốc năm 2016 (59/193 quốc gia). Trong những năm qua, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng về số lượng cung cấp dịch vụ. Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019, từ 8 nhóm dịch vụ ban đầu, tính đến giữa tháng 5/2020, đã tăng lên 389 dịch vụ công trực tuyến, gồm 160 dịch vụ cho công dân, 229 dịch vụ cho DN. Cũng tính đến thời điểm này, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, DN. Ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin
Về hạ tầng CNTT, có 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng WAN, trong đó đã kết nối tới trên 80% số đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ngành và trên 75% các sở, ngành, quận/huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Về ứng dụng CNTT, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai tại 100% các Bộ, ngành, địa phương. Có 18 bộ, ngành và 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung giúp cho việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan, đơn vị. 15 Bộ, ngành và 44 tỉnh, thành phố đã triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng và tích hợp với hệ thống quản lý văn bản, điều hành. Các Bộ, ngành có 98,8% cán bộ, công chức được cấp và thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử và đối với các tỉnh, thành phố, tỷ lệ này là trên 82%.
Về xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia làm nền tảng cho xây dựng CPĐT, hiện nay, Chính phủ đã triển khai CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh, CSDL quốc gia về thủ tục hành chính; đang triển khai các CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia, CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL quốc gia về tài chính. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường xây dựng CSDL chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý của mình...
Tuy nhiên, Chỉ số Hạ tầng viễn thông của Việt Nam liên tục giảm trong 3 kỳ báo cáo gần nhất, nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới (xếp hạng 100/193 quốc gia). Dịch vụ công trực tuyến tuy có tăng về số dịch vụ nhưng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn rất thấp (mức độ 3 khoảng 10%; mức độ 4 khoảng 2%). Dịch vụ công trực tuyến nhất là ở các địa phương triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lắp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ...
Phát triển nhân lực cho Chính phủ điện tử
Chỉ số nguồn nhân lực của Việt Nam năm 2018 tăng so với năm 2016 (xếp hạng 120/193), cao hơn mức trung bình của thế giới. Nhân lực làm việc trong ngành CNTT trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây đã tăng gần gấp 3 lần, từ 150.000 lên hơn 440.000 người, với tốc độ tăng trưởng 13%-18%/năm. Nhu cầu nhân lực ngành CNTT tăng 56% trong năm 2019, tương đương với 62.829 việc làm, tăng xấp xỉ 5 lần so với nhu cầu năm 2015, dự báo sẽ gây thiếu hụt khoảng 190.000 người vào năm 2021. Trong khi đó, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong công tác đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực này như: Chương trình đào tạo lạc hậu, không theo kịp với thực tiễn phát triển khoa học và công nghệ, lý thuyết không gắn với thực hành, dẫn đến chất lượng nhân lực tốt nghiệp các ngành CNTT, viễn thông chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công việc; Đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy các ngành CNTT và viễn thông còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng; Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên vẫn xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám” sang khu vực tư nhân...
Đầu tư tài chính công cho phát triển Chính phủ điện tử
Kinh phí đầu tư cho phát triển CPĐT hiện nay được đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có nguồn ngân sách ổn định cho xây dựng và vận hành CPĐT. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp huy động nguồn lực (DN đầu tư, Nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công - tư, kinh phí sự nghiệp...), để triển khai các dự án xây dựng CPĐT. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích, kêu gọi các DN công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng CPĐT. Để huy động được nguồn lực của DN trong và ngoài nước, tranh thủ chuyên gia quốc tế trong xây dựng CPĐT, phương án trước mắt là thuê DN đầu tư trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước và Nhà nước thuê lại.
Giải pháp phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nói trên, có thể đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển CPĐT ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 như sau:
- Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, cơ chế thực hiện xây dựng CPĐT gắn với cải cách hành chính.
- Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về CPĐT, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực này.
- Triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, DN trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả; phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến đối với mỗi dịch vụ công.
- Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh để kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ và kết nối với các bộ, ngành, địa phương khác thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Bảo đảm Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử quốc gia, hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc, các CSDL quốc gia.
- Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản trị CPĐT hiện đại; xây dựng, bồi dưỡng phát triển năng lực, kỹ năng, vai trò trách nhiệm của “công dân điện tử”.
- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, áp dụng các mô hình hợp tác công tư (PPP) và các mô hình đầu tư khác để đầu tư chiều sâu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, hiện đại hóa thiết bị, đầu tư hạ tầng CNTT và viễn thông. Ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và các ưu đãi khác để khuyến khích thu hút các thành phần tham gia phát triển CPĐT.
- Tăng cường tham gia, giám sát của người dân, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý CPĐT.
- Đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ.
- Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ phát triển CPĐT.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Minh (chủ biên) (2018), Giáo trình Chính phủ điện tử, NXB. Thống kê;
2. Nguyễn Quỳnh Nga (2020), “Xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ thực tiễn ở TP. Hà Nội”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 4/2020;
3. Báo Chính phủ (2018), Thực trạng và giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, truy cập ngày 25/4/2020, http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=354722;
4. Hữu Tuấn (2020), Tháo điểm nghẽn trong xây dựng Chính phủ điện tử, truy cập ngày 24/4/2020, từ https://baodautu.vn/thao-diem-nghen-trong-xaydung-chinh-phu-dien-tu-d118235.html;
5. Cổng Thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ (2018), Thực trạng và giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, từ http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thuctrang-va-giai-phap-xay-dung-Chinh-phu-dien-tu/20187/24418.vgp;
6. Council of Europe (2004), E-Government definition từ http://www.coe.int/T/E/com/Files/Themes/e-voting/definition.asp