Chính phủ điện tử: Việt Nam phấn đấu hết năm 2020 tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng thế giới
Chiều 26/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì phiên họp thường kỳ theo hình thức trực tuyến. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ của Liên hợp quốc, công bố tháng 7 vừa rồi, trong 3 năm qua, từ tháng 8/2017-7/2019, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á.
Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020 là Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng thế giới.
Thủ tướng cho biết từ năm 2021 Chính phủ sẽ xem xét xếp hạng thứ tự chính phủ điện tử của 63 tỉnh, thành cả nước để công bố công khai, qua đó thấy được trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.
Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).
Tính đến hết năm 2020, 100% cơ quan nhà nước từ Trung ương tới cấp huyện kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin đã chung tay đóng góp nhân lực, tài lực cùng Chính phủ và nhân dân cả nước phòng, chống dịch hiệu quả, trong đó có việc cung cấp miễn phí các nền tảng học tập, làm việc, khám bệnh từ xa.
Cho biết hiện cả nước đã có trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ, nhiều giải pháp mới của các doanh nghiệp, chuyên gia trẻ, có nhiều sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu, Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành đề xuất chính sách, tạo thuận lợi hơn nữa để phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Về công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng đánh giá, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử được tăng cường. Các nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được triển khai rất nhanh, trong đó có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu các bộ, ngành, địa phương.
Các hệ thống an toàn thông tin tiếp tục được cải thiện mạnh, tránh lộ, lọt, bị đánh cắp thông tin. Nhiều địa phương đã hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với tiến độ chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực ở nhiều địa phương và bộ, ngành, Thủ tướng đánh giá cao nhiều doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, và hoàn thành vào quý 3 năm nay, bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển thế giới và đặc thù về Việt Nam.
Cơ sở dữ liệu quốc gia được tích cực triển khai, trong đó có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an được triển khai tích cực với phương châm đồng bộ, hiện đại, chống lãng phí, bảo mật.
Đánh giá đã xuất hiện một số cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, Thủ tướng cho biết đó là mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc; dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả thì triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu. Minh chứng cho thành công này là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu.
Từ kinh nghiệm của một số bộ, ngành, địa phương trong đầu tư công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dành tỷ lệ thích đáng về ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin để đảm bảo ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu đạt 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối năm nay, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Bộ Thông tin và Truyền thông hàng tháng phải thống kê tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 của từng bộ, địa phương. Trong đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phải tăng lên 2000, 3000 chứ không dừng lại 1.000 như hiện nay.