Phát triển công nghệ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang diễn ra với tốc độ nhanh và diễn biến khó lường, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thông qua việc nhận diện những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bài viết kiến nghị các giải pháp nhằm giúp lĩnh vực này vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang diễn ra với tốc độ nhanh và diễn biến khó lường, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nguồn: internet
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang diễn ra với tốc độ nhanh và diễn biến khó lường, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nguồn: internet

Cơ hội và thách thức trong phát triển công nghệ tài chính - ngân hàng Việt Nam

Những cơ hội

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn trên thế giới. Sự hiện diện của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) không chỉ tạo cơ hội cho các tổ chức tài chính – ngân hàng lớn, mà toàn hệ thống có thể vươn ra khỏi lãnh thổ, mở rộng phạm vi hoạt động và tạo dựng thương hiệu quốc tế.

Nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong hoạt động của ngân hàng tại Việt Nam đang tăng cao. Số liệu điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có nhiều ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư 8% - 10% tổng chi phí hoạt động hàng năm cho công nghệ thông tin. Những tiến bộ từ cuộc cách mạng công nghệ số và cuộc CMCN 4.0, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng Việt Nam thu hút vốn đầu tư, tiếp cận thị trường quốc tế; cập nhật trình độ quản trị điều hành và kinh doanh hiện đại; tiếp thu những mô hình ngân hàng số thông minh; đổi mới công nghệ nhờ việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại...

Công nghệ hiện đại không chỉ giúp các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giảm chi phí giao dịch mà còn tăng tính bảo mật, giao dịch minh bạch và an toàn hơn với những công nghệ mới như: Blockchain, sinh trắc học trong thanh toán, sử dụng dấu vân tay, thay thế cho thẻ thanh toán… Đồng thời, việc xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt đang là cơ hội lớn để các ngân hàng đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm dịch vụ của mình. Nhu cầu thanh toán trực tuyến tăng lên khi hoạt động thương mại điện tử phát triển, công nghệ vạn vật kết nối internet thông dụng hơn, đây cũng là cơ hội lớn để các ngân hàng mở rộng kinh doanh trong thời kỳ CMCN 4.0.

Các nghiên cứu đã cho thấy, những xu hướng trong ứng dụng CMCN 4.0 ở Việt Nam, bao gồm tăng cường phát triển ngân hàng số, ứng dụng dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phục vụ khách hàng trong ngân hàng số, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và nghiên cứu, ứng dụng tự động hóa quy trình bằng rô-bốt. Khảo sát mới đây về Fintech ở khu vực ASEAN năm 2018 của Ernst & Young cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 78 công ty Fintech đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư lên tới 129 triệu USD. Trong đó, có tới 90% các khoản thanh toán đang dùng tiền mặt và các công ty Fintech Việt Nam tập trung khá nhiều cho lĩnh vực thanh toán, chiếm 47% trên tổng số 78 công ty Việt Nam, đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, thị trường tài chính - tiền tệ sẽ có những thay đổi khó lường với sự xuất hiện của các loại tiền ảo như: Bitcoin, Libra, Etherum… Sự phát triển của các loại tiền ảo, tiền điện tử không phải do ngân hàng trung ương phát hành sẽ buộc các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, để thích ứng, do khả năng ảnh hưởng tới các chỉ số tiền tệ trong mục tiêu ổn định giá cả.

Phát triển công nghệ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam   - Ảnh 1

Các loại tiền ảo này sẽ tác động tới hệ số tạo tiền, đẩy nhanh tốc độ lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế nếu được sử dụng rộng rãi. Khi đó, sẽ buộc các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng phải thay đổi phương thức thanh toán, thay đổi chức năng tiền tệ và cách thức điều hành chính sách, để thích ứng với yêu cầu điều hành kinh tế vĩ mô nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia.

Đối với cơ quan quản lý, nhờ CMCN 4.0 mà hệ thống công nghệ thông tin được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong quản lý điều hành, quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa; quản lý nợ công, giá, quản lý tài sản công… giúp công tác quản lý, điều hành vĩ mô trở nên dễ dàng, tiện lợi và kịp thời hơn.

CMCN 4.0 với các ứng dụng vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp. Việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi.

Những thách thức đặt ra

Bên cạnh những cơ hội phát triển đặt ra, công nghệ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam cũng đang đối diện với không ít thách thức, cụ thể:

CMCN 4.0 đặt ra những thách thức mới về bảo mật. Với tốc độ phát triển của công nghệ số như hiện nay, bảo mật là vấn đề khiến ngân hàng ở các nước, trong đó có Việt Nam phải quan tâm rất nhiều khi trình độ của các tổ chức tấn công mạng, trình độ của tội phạm cũng ngày càng cao hơn. Việc tấn công các ngân hàng không còn chỉ trong phạm vi trong nước mà tại bất kỳ một quốc gia nào, tội phạm cũng có thể tấn công được các ngân hàng Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng lõi truyền thống phức tạp đang là rào cản lớn nhất đối với sự thành công của ngân hàng số. Nếu không có sự thay đổi về chiều sâu, các ngân hàng có thể bị tụt lại trong cuộc đua cung cấp các trải nghiệm số cho khách hàng. Hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời với cấu trúc không linh hoạt và hoạt động nguyên khối cũng đang cản trở các ngân hàng phát triển lên ngân hàng số, trong khi đó việc thay đổi hệ thống rất phức tạp mất nhiều thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư chiến lược cho các công nghệ mới bị hạn chế khi mà các ngân hàng Việt Nam hiện nay kinh doanh mới chủ yếu tập trung vào ngắn hạn; thiếu chiến lược, tầm nhìn về công nghệ số, hiểu biết hạn chế về số hóa và các tiềm năng của số hóa cũng đang hạn chế các ngân hàng đầu tư đúng mực vào việc hiện đại hóa hệ thống...

Thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có sự thay đổi, do việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 có thể khiến số lượng nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán sụt giảm đáng kể. Thực tế hiện nay tại Việt Nam, một số ngân hàng, DN bảo hiểm… đã sử dụng trí tuệ nhân tạo thay thế cho các nhân viên để tự động trả lời, hoặc tương tác với khách hàng, nhằm giảm thiểu chi phí vận hành và đào tạo nguồn nhân lực.

Khuyến nghị và giải pháp

Để lĩnh vực tài chính – ngân hàng của nước ta vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội trong CMCN 4.0, cần tập trung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ. Các cơ quan quản lý tài chính và các định chế tài chính cần thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ hỗ trợ cho sự phát triển của toàn hệ thống tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư tài chính để phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm dịch vụ của các tổ chức, định chế tài chính; xây dựng các chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các định chế tài chính phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng dựa trên công nghệ số.

Thứ hai, nghiên cứu các thành tựu của CMCN 4.0 để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, trong đó tập trung khai thác 3 thành tựu cơ bản gồm: Vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… bởi chúng gắn liền với việc vận hành, cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện, trong đó nhấn mạnh vai trò ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính Fintech; thúc đẩy hệ sinh thái Fintech phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại...

Thứ ba, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho ứng dụng, giao dịch, phát triển các sản phẩm tài chính – ngân hàng 4.0. Tại Việt Nam, hiện nay còn nhiều văn bản pháp lý khi ban hành thì các sản phẩm, hoạt động của tài chính – ngân hàng 4.0 chưa ra đời, do đó có những điểm chưa phù hợp với xu hướng phát triển. Theo đó, cần khẩn trương ban hành khung khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát. Theo đó, khi ban hành chính sách cần phải bảo đảm các tiêu chí trước và sau khi một sản phẩm - hoạt động được đưa vào khuôn khổ chính sách. Việc đưa ra các tiêu chí để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách cho các mục đích tiêu cực là cần thiết, như việc lợi dụng chính sách để thực hiện các hoạt động phi pháp, hay cố tình đưa một sản phẩm với công nghệ bình thường vào chính sách để trốn thuế.

Sau một thời gian hoạt động, cần theo dõi, đánh giá để ban hành các văn bản pháp lý liên quan, từ đó hạn chế tinh trạng độc quyền trên thị trường và tránh tạo ra các cơ chế xin - cho.

Thứ tư, chú trọng quản lý an ninh mạng. CMCN 4.0 có mức độ chia sẻ thông tin nhanh; tạo ra nhu cầu rất lớn về an ninh mạng. Do vậy, các ngân hàng và các định chế tài chính cần quan tâm đến việc xây dựng Trung tâm dự phòng dữ liệu; nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn.

Thứ năm, xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện trên toàn hệ thống tài chính. Các cán bộ nghiệp vụ ngành Tài chính – Ngân hàng cần được đào tạo, đảm bảo đủ khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến, có năng lực đề xuất, tham mưu xây dựng chiến lược, định hướng, chính sách, chế độ. Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với những đòi hỏi của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.          

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (2016), Tổng luận “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, trang 6;

2. Đào Văn Hùng, Phát triển khu vực tài chính – ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Cộng sản số 6/2019;

3. Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Thị Bích Hồng (2017), Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng;

4. Accenture, 2017, Technology vision 2017;

5. http://bigdata-madesimple.com/how-banking-sector-makesuse-of-big-data-analytics/;

6. http://bigdata-madesimple.com/how-banking-sector-makes-use-ofbig-data-analytics/;

7. Accenture, 2017, Technology vision 2017.