Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam: Thuận lợi và thách thức
(Tài chính) Nhu cầu tiêu thụ điện trong tương lai của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay, do vậy việc đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế là một trong những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Điện hạt nhân được coi là một trong những giải pháp khả thi. Tuy nhiên, vẫn không ít những lo ngại về những thách thức khi phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Theo ông Kenji Kobayashi, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương, trong tương lai, kể từ năm 2020 trở đi, Việt Nam cần phải có nguồn năng lượng đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế. Vì thế, việc phát triển năng lượng hạt nhân ở Việt Nam là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, năng lượng hạt nhân có những ưu điểm sau:
Thứ nhất, năng lượng hạt nhân là một giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch đảm bảo sự phát triển bền vững trong việc thỏa mãn nhu cầu điện năng đang tăng mạnh trên toàn cầu.
Thứ hai, công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến và đa dạng tạo điều kiện phát triển tương lai bền vững cả ở nước công nghiệp và nước đang phát triển. Lò phản ứng hạt nhân còn được dùng để khử mặn nước biển nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch ngày càng tăng trên thế giới. Những thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới đang được kỳ vọng để sản xuất hydro với lượng lớn cung cấp nhiên liệu cho ô tô năng lượng sạch.
Thứ ba, lò phản ứng hạt nhân thực sự không phát thải, sử dụng chúng để phát điện có thể giúp kiềm chế được mối nguy hiểm nóng lên toàn cầu và thay đổi khí hậu. Bất kỳ một chiến lược nào thực sự muốn ngăn chặn mối đe dọa chưa từng có này đều cần đến năng lượng hạt nhân.
Việc vận chuyển vật liệu hạt nhân, đặc biệt là nhiên liệu mới, nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải, trong suốt bốn thập kỷ qua hiếm khi gây rò thoát phóng xạ, thậm chí cả khi có tai nạn. Bên cạnh đó, nhà máy điện hạt nhân là thiết bị công nghiệp vững chắc, an toàn và được bảo vệ tốt nhất trên thế giới.
Khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, để triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức.
Một là, tính an toàn, cụ thể là an toàn kỹ thuật và rác thải hạt nhân. Bên cạnh đó còn là sự lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và việc bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạt nhân quốc gia.
Hai là, với những nước lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân như nước ta, vấn đề đáng quan tâm trước hết là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, đặc biệt là những chuyên gia quản lý và kỹ thuật.
Ba là, khuôn khổ pháp lí chưa được hoàn thiện. Trong thời gian tới, hệ thống pháp luật phục vụ phát triển điện hạt nhân cần được tiếp tục củng cố và nâng cao, đặc biệt Luật năng lượng phải sớm được ban hành.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến đến năm 2020, tổ máy đầu tiên được đưa vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 1% tổng lượng điện tiêu thụ trong cả nước và đến khi hoàn thành toàn bộ, 2 nhà máy này sẽ cung cấp lượng điện tăng dần, từ 6% tổng lượng điện cả nước vào năm 2030 lên 20 - 25% vào năm 2050. Ủng hộ đề án này, nhiều chuyên gia về năng lượng nguyên tử cho rằng việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là hợp lý trong bối cảnh điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp để thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm tải phát thải khí ô nhiễm.