Phát triển điện hạt nhân song hành cùng công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước
(Tài chính) Cùng với quá trình phát triển, nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng mạnh mẽ, trong khi nguyên liệu truyền thống phục vụ cho sản xuất điện đang cạn kiệt nhanh chóng, giải pháp thay thế hữu hiệu nhất là điện hạt nhân. Trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam cũng tăng mạnh và nguồn điện hạt nhân đang được triển khai thực hiện…
Trước yêu cấp cấp bách về phát triển điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2006/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình. Theo đó, đến năm 2020 nước ta sẽ hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, nhu cầu sử dụng điện là hết sức lớn. Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Khoa học - Công nghệ, nhu cầu điện của nước ta đang tăng 17% mỗi năm (trong 3 năm gần đây), đến năm 2015 nước ta sẽ thiếu khoảng 8 tỷ KWh điện, năm 2020 thiếu khoảng 36 – 65 tỷ KWh. Xu hướng gia tăng sự thiếu hụt nguồn điện trong nước ngày càng gay gắt hơn trong những giai đoạn sau đó.
Điều này đã tạo sức ép đối với các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Trong khi, nguồn nước trên các con sông lớn ngày càng cạn kiệt và không ổn định nên khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng thiếu điện diễn ra khắp nơi trên trên toàn lãnh thổ Việt Nam thời gian qua đang trở thành vấn đề nan giải, đòi hỏi chúng ta phải có những chiến lược cấp bách để giải quyết nhu cầu, điều hoà, cân bằng nguồn năng lượng phục vụ phát triển nền công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Vấn đề đặt ra là, muốn khắc phục sự thiếu hụt trên, chỉ có xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì mới đáp ứng được nhu cầu. Như vậy, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình cụ thể là điện hạt nhân là cần thiết, không những giải quyết nhu cầu thiếu hụt năng lượng điện mà còn đem lại nhiều lợi ích thiết thực khác.
Nguồn tài nguyên năng lượng của nước ta tuy đa dạng nhưng không dồi dào. Việc ứng dụng năng lượng tái sinh như gió, mặt trời, thuỷ triều, địa nhiệt, do giá thành sản xuất cao, có tính phân tán và không ổn định nên mới chỉ tạo được nguồn năng lượng nhỏ và chưa phải là giải pháp để cân bằng năng lượng. Ngoài ra, nhập khẩu điện, than, khí từ nước ngoài để giải quyết sự thiếu hụt này không phải là phương án ổn định lâu dài nếu nhìn nhận từ góc độ an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững. Trước tình hình đó, chương trình phát triển điện hạt nhân được coi là sự lựa chọn tối ưu và là động lực chính của quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Việt Nam trong tương lai.
Mặc dù hiện nay trên thế giới còn khá nhiều ý kiến phản đối việc mở rộng và phát triển các nhà máy điện hạt nhân, nhưng những đóng góp to lớn của lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia là không thể phủ nhận. Quyết định 01/2006/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình, trong đó khẳng định: Đến năm 2020 nước ta sẽ hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Thực tế đã chứng minh, điện hạt nhân cung cấp nguồn năng lượng rẻ tiền, thay thế điện năng sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch. Nó có thể cung cấp điện năng với giá thấp hơn 50% – 80% so với các nguồn năng lượng truyền thống. Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục, thậm chí 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu, trong khi nhà máy thuỷ điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Không những thế, việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đơn giản hơn nhà máy thuỷ điện rất nhiều. Nó không đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn, không làm biến đổi chất lượng nước hay làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Theo IAEA, phát triển quá nhiều nhà máy thuỷ điện ở Châu Á sẽ rất tốn kém và là sự lựa chọn không khôn ngoan. Vì nơi đây, dân cư đông đúc, thiên tai khắc nghiệt và hầu hết các quần thể dân cư lại phát triển dọc triền sông.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy điện hạt nhân là một công nghệ cao, mà muốn làm được phải có chương trình đào tạo con người từ rất sớm (khoảng 13-15 năm trước khi có nhà máy điện hạt nhân). Trong thời gian qua, nước ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực này nhưng vẫn còn ít và phân tán. Vì vậy muốn thực hiện kế hoạch đã đề ra, bên cạnh việc quản lý tốt an toàn bức xạ, tìm kiếm thu hút nguồn vốn xây dựng nhà máy, nước ta sẽ phải có những chính sách tập trung đào tạo nguồn nhân lực tinh nhuệ cho ngành. Hệ thống pháp luật phục vụ phát triển điện hạt nhân cũng cần được củng cố và nâng cao, đặc biệt Luật năng lượng phải sớm được ban hành.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình trong đó có việc xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với chúng ta. Tuy nhiên, trong Mục tiêu và Phương hướng phát triển đất nước 5 năm tới trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X sắp tới nêu rõ: “Từng bước sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch... Phấn đấu đến 2010, năng lực khoa học và công nghệ nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực” là định hướng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta phát triển ngành điện hạt nhân.
Có thể khẳng định, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân được xem là chiến lược cấp bách không chỉ giải quyết được nhu cầu thiếu hụt năng lượng điện mà còn đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực khác.