Phát triển điện hạt nhân toàn cầu cần 120 tỷ USD vào 2030
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu cần tăng gấp đôi lên 120 tỷ USD/năm vào năm 2030.
Báo Arabia News của Saudi Arabia dẫn một báo cáo mới đây của IEA cho biết, nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu cần tăng gấp đôi lên 120 tỷ USD/năm vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng ngày càng gia tăng trên thế giới.
Theo báo cáo, với 63 lò phản ứng đang được xây dựng, sản lượng điện được tạo ra bằng năng lượng hạt nhân toàn cầu dự kiến đạt mức kỷ lục vào năm 2025, chiếm gần 10% tổng sản lượng điện toàn cầu. Trong số 52 lò phản ứng được xây dựng từ năm 2017, Trung Quốc dẫn đầu với 25 lò và dự kiến sẽ vượt Mỹ và châu Âu về công suất vào năm 2030. Động lực mới của ngành đến từ các chính sách, các khoản đầu tư và công nghệ tiên tiến như lò phản ứng mô-đun nhỏ.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia như Saudi Arabia đang tích cực tìm cách tăng cường các chương trình năng lượng hạt nhân để đa dạng hóa nguồn năng lượng. Tại Saudi Arabia, Dự án Năng lượng nguyên tử quốc gia được triển khai nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đầu tháng 1/2025, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho hay nước này đang có kế hoạch làm giàu và bán uranium để hỗ trợ chiến lược này.
Theo IEA, việc đánh giá và dự báo nguồn tài chính trong tương lai là yếu tố then chốt để giảm chi phí và thu hút vốn đầu tư tư nhân nhằm mở rộng quy mô trong ngành điện hạt nhân.
IEA nhấn mạnh: Chỉ riêng vốn đầu tư công sẽ không đủ để xây dựng một kỷ nguyên mới cho ngành năng lượng hạt nhân. Nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ rất quan trọng để mở rộng quy mô đầu tư. Khu vực tư nhân ngày càng xem năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch và cạnh tranh, đáng để đầu tư. IEA cũng chỉ ra rằng một khung pháp lý hỗ trợ sẽ là yếu tố quan trọng đối với hoạt động đầu tư vào ngành năng lượng hạt nhân.
Trong một báo cáo phân tích riêng biệt công bố gần đây, Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân được đưa ra tại Hội nghị COP28 có thể đạt được nếu các khoản đầu tư được triển khai đầy đủ và hợp lý.
Bà Amy Drake - Trợ lý Giám đốc Sáng kiến chính sách năng lượng hạt nhân tại Trung tâm Năng lượng toàn cầu thuộc tổ chức này cho biết, việc tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu sẽ đòi hỏi hơn 150 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Do vậy, đầu tư tư nhân là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng hạt nhân quy mô lớn.