Phát triển điện khí LNG: Giải pháp thân thiện môi trường và tiết kiệm chi phí

Thanh Hải

Điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ. Vì vậy, việc phát triển điện khí LNG là cần thiết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững.

Phát triển điện khí LNG là hướng đi tất yếu trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Phát triển điện khí LNG là hướng đi tất yếu trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn, thách thức “cản đường”

Theo TS. Nguyễn Hữu Lương - Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam, với khả năng lưu trữ năng lượng lớn và giảm lượng khí thải độc hại, LNG đã trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí đáng kể. Hiện khí LNG được ứng dụng bởi 5 ngành chính, đó là dân dụng và thương mại như làm nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà; Giao thông vận tải; Công nghiệp; Xây dựng; Logistics.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Bởi nguồn điện khí có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.

Mặc dù phát triển điện khí LNG là hướng đi tất yếu tại Việt Nam, tuy nhiên, quá trình này còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho biết, thị trường tiêu thụ điện đang tăng chậm so với mục tiêu trong các quy hoạch điện. Bỏ bảo lãnh Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế, chính vì vậy làm khó khăn hơn cho hợp đồng mua bán điện. Đặc biệt, khó khăn và thách thức lớn nhất khi phát triển điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khí điện LNG và tiêu thụ điện LNG.

Đồng quan điểm về khó khăn, thách thức đang “cản đường” phát triển điện khí LNG, PGS. TS. Ngô Trí Long cho hay, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế, trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ...

Cần cơ chế chính sách rõ ràng, khả thi cho phát triển điện khí

 

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỷ m3 vào năm 2045.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG, ở góc độ đại diện doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho rằng, điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện, mà cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy. Điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn.

Đồng thời, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch điện của Chính phủ. Đặc biệt, cần thiết một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện VIII.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG; sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện.

Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Song song đó, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD; rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.