Sử dụng khôn khéo đất ngập nước để bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên

Hoàng Minh

Đất ngập nước có chức năng và vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của quốc gia và là nguồn sinh kế của các cộng đồng người dân địa phương, nhưng cũng là khu vực dễ bị tổn thương bởi sự phát triển kinh tế - xã hội quá mức, ô nhiễm môi trường và khai thác tận diệt. Để bảo vệ vùng đất ngập nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách cũng như triển khai bảo vệ bằng những hành động thực tiễn.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam.

Duy trì đặc tính sinh thái đất ngập nước

Khoảng 71% diện tích bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước. Các ao hồ, sông suối và các nguồn nước ngọt quan trọng khác chỉ chiếm 2,53% tổng lượng nước mặt trên Trái Đất, 97,5% lượng nước còn lại là nước mặn được chứa trong các biển và đại dương. Ước tính, các vùng đất ngập nước chiếm khoảng 5,9 - 6,4% bề mặt Trái Đất. Mặc dù được đánh giá chỉ chiếm 1% diện tích bề mặt Trái Đất, các vùng đất ngập nước nội địa lại là nơi cư trú của 40% các loài sinh vật trên thế giới.

Các vùng đất ngập nước Việt Nam có nhiều chức năng rất quan trọng như: nạp và tiết nước ngầm, cung cấp nước ngọt, điều hòa sinh thái và khí hậu, sản xuất sinh khối, hạn chế lũ lụt, chắn sóng và gió bão, chống xói lở và ổn định bờ biển, là nơi du lịch giải trí, duy trì đa dạng sinh thái tạo môi trường hoạt động cho nhiều ngành kinh tế như thủy sản, lâm nghiệp, giao thông vận tải thủy, sản xuất năng lượng, du lịch, khai khoáng,..

Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực đất ngập nước, trong đó sớm nhất là Công ước về vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar) năm 1989. Với vai trò là thành viên tham gia các Công ước, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ mang tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên theo quy ước chung của các Công ước cũng như có nghĩa vụ “nội luật hóa” các quy định đó vào hệ thống chính sách và văn bản pháp luật quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha được công nhận và nằm trong hệ thống khu bảo tồn của cả nước. Mạng lưới các khu Ramsar của Việt Nam đang tiếp tục từng bước được thiết lập, vận hành hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước theo hướng dẫn của Công ước Ramsar và tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý khu Ramsar.

Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập 47 khu bảo tồn đất ngập nước. Định hướng xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ tăng số lượng khu đất ngập nước được quốc tế công nhận lên 15 khu. Tính đa dạng của các kiểu loại đất ngập nước ở Việt Nam đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài có ý nghĩa đối với quốc gia và thế giới. Ngoài ra, vùng đất ngập nước còn góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu nước ngoài.

Vùng đất ngập nước lớn nhất của Việt Nam là châu thổ sông Cửu Long bao gồm hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, những cánh đồng lúa bát ngát, rừng ngập mặn, rừng tràm, các bãi triều, ao nuôi tôm, cá. Ở miền Trung, các vùng đất ngập nước là các đầm phá ven biển, các hồ chứa nước nhân tạo. Ở miền Bắc, đất ngập nước là các hồ trong hệ thống lưu vực sông Hồng, những bãi triều rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn của châu thổ.

Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt. Có trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú tại các vùng đất ngập nước tại Việt Nam. 

Bảo tồn và phát triển bền vững

Nhận thức được tầm quan trọng của đất ngập nước, thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar. Tiếp đến tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, chung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.

Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường. 

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai hướng dẫn địa phương và tổ chức thẩm định hồ sơ đề cử Khu Ramsar Bắc Đồng Nai với nhiều tiêu chí phù hợp.

Nếu được Ban Thư ký Công ước Ramsar chấp thuận, Việt Nam sẽ có khu Ramsar thứ 10. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Công ước Ramsar trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tăng cường tính thực thi pháp luật và đảm bảo các nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.

 

Công ước Ramsar là một “hiệp định” liên Chính phủ nhằm tạo ra một khuôn khổ hành động của quốc gia và khung hợp tác quốc tế để bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước và các nguồn tài nguyên đất ngập nước.