Nhiều thách thức trong hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG


Tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phát thải nhà kính” chiều 30/1, các diễn giả cho rằng có rất nhiều thách thức và khó khăn trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Nhiều ngành công nghiệp chuyển sang sử dụng LNG

TS. Nguyễn Hữu Lương - Viện Dầu khí Việt Nam, cho biết, LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng được chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng để thuận tiện cho quá trình vận chuyển. LNG có 5 ứng dụng chính. Trong dân dụng và thương mại LNG được dùng làm nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà. Trong giao thông vận tải sẽ làm nhiên liệu để thay thế cho DO & FO. Trong công nghiệp, LNG làm nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho sản xuất thép, xi măng, gốm... Trong hóa chất/hóa dầu, sản phẩm này được dùng để sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi...

Theo TS. Nguyễn Hữu Lương, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Cụ thể, điện khí/LNG sạch hơn ½ phát thải so với điện than truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì nó tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài.

“Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các quy định”, TS. Nguyễn Hữu Lương cho biết.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện.

Sáu thách thức lớn

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, có rất nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII.

Thứ nhất, thị trường tiêu thụ điện tăng chậm so với mục tiêu trong các quy hoạch điện. Thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận pháp luật, kinh tế, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG. Bỏ bảo lãnh Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế nên càng khó khăn hơn cho hợp đồng mua bán điện.

Thứ hai là vấn đề bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG. Khi mua LNG thì thường phải trả bằng ngoại tệ, nhưng thu bằng tiền đồng. Nhà đầu tư phải chuyển đổi tiền nhưng nhà đầu tư yêu cầu phải bảo lãnh về khối lượng và tỷ giá.

Thứ ba, việc ban hành khung giá phát điện cho Nhà máy phát điện khí LNG vẫn đang nghiên cứu xem xét. Bộ Công thương cho đến nay vẫn chưa thực hiện được do khó khăn về Luật Điện lực chưa cho phép trong khi Luật Giá đã cho phép tính đúng, tính đủ về cơ cấu giá thành.

Thứ tư, cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) và cam kết bao tiêu sản lượng khí LNG hàng năm đang là một thách thức. Bởi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được mua điện của các nhà máy và bán ra theo sự điều tiết, đầu vào lại phải đi đàm phán với các nhà máy. Do đó, với cơ chế tài chính không đủ để thực hiện cam kết.

Thứ năm, cam kết về đường dây chuyền tải và đầu nối của dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ đó dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của chuỗi dự án điện khí LNG trong khi chỉ còn chưa tới 6 năm để thực hiện các mục tiêu.

Thứ sáu, cũng là khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay, đó là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG. Hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của PVN/EVN còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án. Cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp như hiện tại sẽ làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các nhà đầu tư và đối tác trong chuỗi dự án.

Thay đổi tư duy về điện khí LNG

Trước thực tế này, các nhóm giải pháp cần tập trung, theo TS. Nguyễn Quốc Thập, đó là cần thay đổi nhận thức và tư duy, rằng điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện mà điện khi LNG cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy. Cùng với đó, điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn. Giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá. Các cam kết dài hạn và thị trường cũng là các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch.

Cùng với đó, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch Điện. Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn. Thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng.

Đồng thời, sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn. “Cần thiết có một nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu quy hoạch năng lượng và Quy hoạch điện 8”, ông Thập nhấn mạnh.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn