Tài chính doanh nghiệp: Cần nâng tầm và mở rộng sự quan tâm đến ESG
Báo cáo “Chức năng tài chính: Nắm bắt cơ hội trong tương lai - Góc nhìn Đông Nam Á” được thực hiện bởi ACCA và PwC chỉ ra rằng, việc lập kế hoạch tài chính, dự báo và phân tích kịch bản ứng biến ảnh hưởng đến việc đưa ra bất kỳ quyết định nào trong bối cảnh đại dịch.
Trong báo cáo mới nhất mang tên “Chức năng tài chính: Nắm bắt cơ hội trong tương lai - Góc nhìn Đông Nam Á” do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) và PwC đồng thực hiện, PwC cho rằng, chức năng tài chính tại Đông Nam Á đóng vai trò chiến lược trong đại dịch COVID-19. Bộ phận này cần thuyết phục đươc Ban lãnh đạo doanh nghiệp rằng, họ góp phần thúc đẩy thành công cho doanh nghiệp.
Chức năng tài chính cần mở rộng phạm vi tập trung và chú ý đến các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) nhằm tích hợp các tiêu chí này vào hoạt động báo cáo của doanh nghiệp.
Chức năng tài chính cần tập trung vào chuyển đổi số cũng như triển khai chương trình nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực để có thể đưa ra những phân tích có ý nghĩa từ dữ liệu.
Báo cáo cho thấy vai trò của chuyên viên tài chính kế toán trong doanh nghiệp. Càng trải qua các tác động của đại dịch, sự ổn định tài chính và hiệu suất của nhiều tổ chức càng bị thử thách khốc liệt. Việc lập kế hoạch, dự báo và phân tích kịch bản ứng biến ảnh hưởng đến việc đưa ra bất kỳ quyết định nào hơn bao giờ hết. Vì vậy, các bộ phận chức năng tài chính ở Đông Nam Á đã nắm vai trò then chốt trong bàn tròn lãnh đạo của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ một phần ba trong số người tham gia khảo sát tin rằng chức năng tài chính có thể duy trì vị thế hiện tại. Báo cáo cho rằng chức năng này nên tận dụng những tiến độ đã đạt được và xây dựng vai trò thích hợp hơn bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp định hình chiến lược và phương hướng kinh doanh.
Tái định hình các tiêu chí về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG)
Theo PwC, có nhiều động lực thúc đẩy các vấn đề xã hội và kinh doanh kết hợp với nhau và qua đó, biến đổi phương thức hoạt động của doanh nghiệp. Những cam kết đầy tham vọng của chính phủ để đạt được mục tiêu lượng khí thải bằng không (Net Zero) được minh chứng bằng các hiệp định quốc tế, các chương trình quốc gia và những quy định sắp được ban hành. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 khiến công chúng quan tâm hơn các vấn đề liên quan tới ESG, bao gồm phúc lợi nhân viên và bình đẳng tại nơi làm việc. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các chức năng tài chính không thể chỉ chú trọng vào tối ưu hóa lợi nhuận. Thay vào đó, doanh nghiệp cần phải nhìn nhận và thực thi trách nhiệm xã hội.
Các bên liên quan hiện nay ngày càng đòi hỏi doanh nghiệp công bố và báo cáo dữ liệu phi tài chính một cách minh bạch. Chức năng tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Khi mà ESG đang dần trở thành một phần thiết yếu trong quá trình này, chức năng tài chính cũng cần tái định hình phương thức báo cáo với sự hiểu biết sâu sắc về phát triển bền vững. Điều này sẽ mang lại giá trị trong việc hỗ trợ ra quyết định về chiến lược cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Nam, Lãnh đạo Dịch vụ ESG - Dịch vụ Kiểm toán của PwC Việt Nam, nhận định: “Những nguyên tắc về ESG đang trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp. Ngày nay, ESG đang dần được tích hợp vào giá trị cốt lõi của các tổ chức - thể hiện từ mục tiêu và sứ mệnh của họ cho đến việc trở thành một chủ đề chính khi thu hút sự quan tâm của các bên liên quan. Đã đến lúc các tổ chức, thuộc lĩnh vực công hay tư, cần tiếp cận và triển khai ESG một cách chủ động".
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào các chức năng tài chính
Chuyển đổi số chính là cơ hội tốt để xây dựng một chức năng tài chính phù hợp với thời đại. Theo báo cáo trên, người tham gia khảo sát đến từ Đông Nam Á mong đợi phát triển và nâng cao kỹ năng số hơn so với những người tham gia khảo sát toàn cầu. Các giám đốc Tài chính (CFO) đến từ khu vực này đồng tình rằng, các công nghệ mới nổi như điện toán đám mây, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, không chỉ mang lại những hiểu biết sâu sắc, hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn, đồng thời góp phần giảm chi phí đáng kể.
Để các chức năng tài chính có thể sử dụng dữ liệu phân tích dự đoán, báo cáo cũng chỉ ra rằng, chức năng này thường thiếu phương pháp tiếp cận dữ liệu tập trung để có thể mang lại phân tích có ý nghĩa cũng như chưa sở hữu những kỹ năng cần thiết để truyền tải những phân tích đó. Họ cần có khả năng chỉ ra nhận định dựa trên khối lượng dữ liệu lớn và cần có sự tự tin để tranh luận với ban lãnh đạo dựa trên những phân tích của họ.
Theo ông Sreenidhi Thubanakere, Giám đốc dịch vụ Tư vấn hoạt động tại Công ty Tư vấn PwC Việt Nam, công nghệ không phải là tất cả. "Nhân lực và quy trình hoạt động sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho phép số hóa các chức năng tài chính. Doanh nghiệp cần trao quyền cho nhân viên thông qua các chương trình huấn luyện và nâng cao kỹ năng. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến văn hóa, mục tiêu, tinh thần chịu thay đổi trong doanh nghiệp khi tái thiết kế các quy trình hoạt động nhằm mục đích tạo ra giá trị và khuyến khích sự hợp tác giữa các bộ phận trong công ty”, ông nói.
Báo cáo "Chức năng tài chính: Nắm bắt cơ hội trong tương lai - Góc nhìn Đông Nam Á" được thực hiện dựa trên thông tin chi tiết từ một số cuộc phỏng vấn và hội nghị bàn tròn trực tuyến được thực hiện vào tháng 4/2021 và một cuộc khảo sát từ các hội viên ACCA và các hội viên dự bị, các mối liên hệ từ PwC và nhiều giám đốc tài chính. Báo cáo nhằm tìm hiểu về ảnh hưởng của COVID-19 đối với chức năng tài chính tại Đông Nam Á và các yếu tố cần xem xét để chức năng tài chính tiếp tục phù hợp với thời đại.