Ảnh hưởng của các nhân tố quản trị môi trường đến hiệu quả bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp
Nghiên cứu này kiểm tra ảnh hưởng của các nhân tố môi trường, sự thay đổi của môi trường và nhận thức của nhà quản trị (nhân tố trung gian) tới hiệu quả bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Thông qua phần mềm SmartPLS, nghiên cứu thực hiện khảo sát 107 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, có mối quan hệ tích cực giữa các nhân tố quản trị môi trường và hiệu quả bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực đang chịu sức ép lớn về việc kiểm soát ảnh hưởng từ các hoạt động của họ tới môi trường tự nhiên. Những thay đổi của môi trường làm phát sinh những khoản chi phí môi trường đáng kể cũng như ảnh hưởng tới cơ hội phát triển của doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp hiện nay đang chú trọng tới việc xây dựng chiến lược môi trường, lên kế hoạch chủ động đối phó trước những thay đổi của môi trường nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu liên quan tới hiệu quả bảo vệ môi trường trước đây tập trung chủ yếu vào nhận diện các nhân tố ảnh hưởng tới việc thực hiện kế toán môi trường hoặc kế toán quản trị môi trường. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhận diện chiến lược môi trường và sự thay đổi của môi trường gián tiếp thông qua cam kết của nhà quản trị ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ môi trường.
Tổng quan lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu
Sự thay đổi của môi trường, nhận thức của nhà quản trị và hiệu quả bảo vệ môi trường
Theo quan điểm của lý thuyết ngẫu nhiên, doanh nghiệp tồn tại và chịu tác động bởi môi trường. Chính vì vậy, sự thay đổi của môi trường sẽ dẫn tới thiếu thông tin và kiến thức trong việc ra quyết định của nhà quản trị. Với vai trò điều hành doanh nghiệp, nhà quản trị cần thay đổi nhận thức về môi trường để thực thi trách nhiệm, có giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề hiện tại và tương lai có thể xảy ra.
Nghiên cứu của Pérez và cộng sự; Spencer và cộng sự đã chứng minh khi nhà quản trị nhận thức được lợi ích tiềm năng có thể cải thiện thành quả cho doanh nghiệp từ việc thực thi các vấn đề môi trường, họ sẽ chủ động xây dựng các sáng kiến cải tiến và áp dụng hệ thống quản trị nhằm tăng thông tin liên quan tới môi trường. Xuất phát từ lý thuyết và kết quả của một số nghiên cứu còn tồn tại khoảng trống về mối quan hệ giữa sự thay đổi của môi trường, cam kết của nhà quản trị và hiệu quả bảo vệ môi trường chưa được xem xét, tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu:
H1a: Sự thay đổi của môi trường ảnh hưởng tích cực tới nhận thức của nhà quản trị.
H1b: Sự thay đổi của môi trường thông qua nhận thức của nhà quản trị ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả bảo vệ môi trường.
Chiến lược môi trường, nhận thức của nhà quản trị và hiệu quả bảo vệ môi trường
Lý thuyết ngẫu nhiên đề cập tới vai trò của nhân tố chiến lược tác động tới doanh nghiệp. Một doanh nghiệp xây dựng chiến lược môi trường, điều đó cho thấy doanh nghiệp đó chú trọng tới việc cung cấp thông tin về những tác động tới môi trường, họ khẳng định cam kết thực thi các vấn đề về môi trường nhằm hướng tới không chỉ ở góc độ tuân thủ quy định của cơ quan quản lý mà hướng tới hiệu quả bảo vệ môi trường có thể đạt được.
Không những thế, sự chủ động thay đổi nhận thức, quan điểm và hành động của nhà quản trị về các vấn đề môi trường góp phần tăng lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác. Nghiên cứu của Perego và cộng sự đưa ra kết quả ủng hộ chiến lược môi trường ảnh hưởng tới hiệu quả bảo vệ môi trường với mẫu nghiên cứu thực hiện thông qua khảo sát các nhà quản trị tài chính tại các công ty sản xuất ở Hà Lan.
Tiếp đến, nghiên cứu của Rodrigue và cộng sự đã tập trung xem xét ảnh hưởng từ sức ép của các bên liên quan tới chiến lược môi trường và lựa chọn chỉ số đánh giá hiệu quả bảo vệ môi trường. Giả thuyết nghiên cứu được đề xuất dưới đây:
H2a: Chiến lược môi trường ảnh hưởng tích cực tới cam kết của nhà quản trị.
H2b: Chiến lược môi trường thông qua cam kết của nhà quản trị ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả bảo vệ môi trường.
Ảnh hưởng cam kết của nhà quản trị tới hiệu quả bảo vệ môi trường
Pérez và cộng sự cho rằng, cam kết của nhà quản trị cấp cao về vấn đề môi trường là một trong những yếu tố quyết định tới việc cải thiện môi trường. Bên cạnh đó, Spencer và cộng sự đề xuất rằng, cam kết của nhà quản trị cấp cao ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sự hữu hiệu của hệ thống thông tin môi trường tới hiệu quả bảo vệ môi trường, vì nếu nhà quản trị nhận ra rằng, cam kết về đảm bảo sự bền vững của môi trường có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh như giảm chi phí, cải thiện hình ảnh, dẫn đầu về công nghệ và tăng thị phần, họ sẽ chủ động thực hiện.
Ngoài ra, Dixon-Fowler và cộng sự tìm thấy sự hiện diện cam kết về môi trường trong các doanh nghiệp phản ánh mối quan tâm của nhà quản trị cấp cao, từ đó cải thiện hiệu quả bảo vệ môi trường đạt được. Từ những bằng chứng thực nghiệm trên, tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu:
H3: Cam kết của nhà quản trị ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả bảo vệ môi trường
Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả lập đường link khảo sát online và gửi trực tiếp tới người được khảo sát. Đối tượng tham gia trả lời bảng câu hỏi là các quản lý cấp cao trở lên như giám đốc, kế toán trưởng. Thời gian khảo sát từ tháng 1 đến tháng 3/2020 với phạm vi khảo sát tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ảnh hưởng nhiều tới môi trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Kết quả khảo sát thu được 150 phiếu trong đó có 43 phiếu (chiếm 28,67%) bị thiếu thông tin nên không được đưa vào phân tích.
Thang đo lường được kế thừa từ các nghiên cứu trước. Thang đo của “Chiến lược môi trường” (ES) gồm 4 câu hỏi dựa trên nghiên cứu của Walls tập trung nhận định vào chỉ số KPIs (Key Performance Indicators), nguồn vốn đầu tư, tiêu chuẩn ISO (International Organization for Standardization) và cam kết xây dựng chiến lược liên quan tới môi trường.
“Sự thay đổi của môi trường” (PEU) được đo lường bằng 7 câu hỏi từ nghiên cứu của Pondeville và cộng sự. Tiếp đến, biến “Cam kết của nhà quản trị” (TMC) sử dụng 9 câu hỏi từ nghiên cứu của Spencer và cộng sự. Cuối cùng, thang đo “Hiệu quả bảo vệ môi trường” (EP) tổng hợp 7 câu hỏi từ nghiên cứu của Latan và cộng sự theo Likert với 7 mức độ từ “không tốt tới tốt”.
Nghiên cứu này đã áp dụng Mô hình phương trình cấu trúc (SEM-Structural Equation Modeling) thông qua phần mềm SmartPLS để phân tích kết quả khảo sát thu được.
Kết quả nghiên cứu và kiểm định giả thuyết
Theo Bảng 1, giá trị VIF (hệ số phóng đại phương sai) của các cấu trúc biến < 3 đảm bảo không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến khi kiểm định giả thuyết. Chỉ số f2 thể hiện mức độ ảnh hưởng của biến ngoại sinh tới biến nội sinh là lớn hay nhỏ. Kết quả cho thấy giá trị f2 đạt mức trung bình. Tiếp đến giá trị đạt Q2>0 đối với biến tiềm ẩn nội sinh (EP và TMC) cho thấy mô hình phù hợp thể hiện sự chính xác của dự báo. Cuối cùng, giá trị R2 hiệu chỉnh dao động trong khoảng (0,1) cho thấy mô hình cấu trúc có chất lượng tốt.
Kết quả kiểm định mô hình trong Bảng 2 cho thấy, sự thay đổi của môi trường ảnh hưởng mạnh tới cam kết của nhà quản trị (β = 0.331) với mức ý nghĩa 1%, đồng thời gián tiếp thông qua cam kết của nhà quản trị ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả bảo vệ môi trường (β = 0.140) với mức ý nghĩa 10%. Giá trị β =0.399 trong mối quan hệ giữa chiến lược môi trường và cam kết của nhà quản trị cũng đạt ý nghĩa thống kê 1% và ảnh hưởng gián tiếp của chiến lược môi trường thông qua cam kết của nhà quản trị tới hiệu quả bảo vệ môi trường đạt giá trị β =0.169 với mức ý nghĩa 5%. Đồng thời, giả thuyết về cam kết của nhà quản trị ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả bảo vệ môi trường của được đảm bảo với β =0.424 (mức ý nghĩa 1%). Như vậy, các giả thuyết của nghiên cứu đều được chấp nhận.
Kết luận và hàm ý
Kết quả nghiên cứu đạt được góp phần giúp củng cố niềm tin vào các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện liên quan tới môi trường bởi những hoạt động này không chỉ thể hiện trách nhiệm với môi trường, minh bạch thông tin mà còn đem lại những lợi ích tài chính khác. Nghiên cứu đề xuất một số gợi ý cho các bên liên quan:
- Doanh nghiệp, nên chủ động hơn trong việc xây dựng chiến lược về các tiêu chuẩn ISO cần đạt được, minh bạch thông tin, phân bổ và đầu tư kinh phí nhiều hơn cho các hoạt động liên quan tới môi trường, xây dựng hệ thống quản trị môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin khi cần thiết. Ngoài ra, các nhà quản trị cần chủ động nhận diện những thay đổi của thị trường, của tự nhiên để từ những chiến lược xây dựng có thể đi vào thực tiễn triển khai nhằm đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường.
- Đối với cơ quan quản lý, vấn đề môi trường tại Việt Nam đang được quan tâm mạnh mẽ bởi những tác động xấu do môi trường tự nhiên thay đổi, các tác động từ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên chủ động thực hiện các giải pháp liên quan tới môi trường và cơ quan quản lý cần có những chế tài cụ thể để hướng dẫn cho các doanh nghiệp.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải trong đề tài mã số T2020-PHII-008.
Tài liệu tham khảo:
Burnett, R., and Hansen, D. (2008), Ecoefficiency: Defining a role for environmental cost management. Accounting, Organizations and Society, 33(6), 551-581;
Spencer, S.Y., Adams, C., and Yap, P.W. (2013), The mediating effects of the adoption of an environmental information system on top management's commitment and environmental performance. Sustainability Accounting, Management and Policy Journal, 4(1), 75-102;
Wagner, M., and Schaltegger, S. (2004), The effect of corporate environmental strategy choice and environmental performance on competitiveness and economic performance: an empirical study of EU manufacturing. European Management Journal, 22(5), 557-572;
Schaltegger, S., and Burrit, R. (2005/2006), Corporate Sustainability. The International Yearbook of Environmental and Resource Economics 2005/2006;
Porter, M.E., and Van der Linde C (1995), Toward a new conception of the environment-competitiveness relationship. Journal of Economic Perspectives, 9(4), 97-118.