Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường

Minh Anh

Du lịch được coi là ngành kinh tế chủ đạo tại nhiều quốc gia đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch cũng để lại những tổn hại nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, đặc biệt là tài nguyên di sản. Chính vì vậy, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường được coi là hướng đi đúng đắn hướng tới phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Di tích Cố đô Huế.
Di tích Cố đô Huế.

Tại Việt Nam, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 nêu rõ quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đứng thứ 40 trên thế giới về tài nguyên thiên nhiên và 33 về tài nguyên văn hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia tại Đông Nam Á có số lượng di sản lớn nhất và 2 lần được vinh danh “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.

Bên cạnh các di sản địa phương và quốc gia (4 vạn di tích được kiểm kê trong đó gần 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.486 di tích quốc gia và 105 di tích quốc gia đặc biệt, 61.669 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 301 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 164 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia), Việt Nam còn sở hữu các di sản có giá trị quốc tế được UNESCO công nhận (8 di sản thế giới: 2 di sản thế giới, 5 di sản văn hóa, 1 di sản hỗn hợp; 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…).

Nhiều địa phương đã hưởng lợi từ di sản trong suốt những năm qua. Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... đều có lượng khách du lịch tăng mạnh và trở thành những trung tâm du lịch của cả nước.

Với sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa, hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ (Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững).

Sức hút du lịch từ những di sản thế giới đã được chứng minh. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch kéo theo lượng khách tăng, đầu tư hạ tầng ồ ạt cũng đặt ra những bài toán về việc bảo vệ và phát huy di sản. Tình trạng đổ đất “lấn” di sản, xây dựng nhiều công trình trái phép bao vây di sản hay vấn đề rác thải là những câu chuyện buồn đang xảy ra ở không ít địa phương. Điển hình là hình ảnh Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long ngập rác do các ngư dân phá dỡ lồng bè nuôi hải sản khiến nhiều du khách phản ứng vào đầu năm 2023; tình trạng xây dựng công trình trái phép, hàng quán mất mỹ quan ở Khu di sản Tràng An đến nay vẫn còn để lại nhiều hậu quả...

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững là định hướng dài hơi, mang tầm chiến lược. Để hoàn thành mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết, cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; nâng cao hiệu quả phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trong giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Đồng thời, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, tập trung nghiên cứu, bảo tồn, giữ vững các danh hiệu di sản văn hóa đã được công nhận là di sản quốc gia và thế giới; phân loại, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa vật thể và hoàn thành việc đánh giá hiện trạng, xác định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học... của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững.

Trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, không phải làm một cách dàn trải mà phải nghiên cứu, lựa chọn các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững. 

Đặc biệt, phải xây dựng cơ chế, chính sách để huy động được các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Cùng với nguồn ngân sách địa phương phải lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được phê duyệt theo quy định hiện hành. Đồng thời, phải nghiên cứu ban hành những chính sách khuyến khích các hoạt động hợp tác, liên kết trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Cùng với đó, cần củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch; thực hiện có hiệu quả phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc di sản văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững…