Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:
Miễn thuế cho các khoản thu nhập từ hoạt động tài chính nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường
Tại dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất cụ thể hơn về việc miễn thuế cho các khoản thu nhập từ hoạt động tài chính nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Khoản 8, Điều 4, Luật thuế TNDN hiện hành quy định: “Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải" là thu nhập miễn thuế TNDN.
Theo Bộ Tài chính, qua rà soát pháp luật về bảo vệ môi trường, bên cạnh chứng chỉ giảm phát thải (CERs) còn có chứng chỉ giảm phát thải tự nguyện (VERs). Về bản chất, chứng chỉ CERs và VERs đều giống nhau ở mục tiêu là khuyến khích bảo vệ môi trường thông qua việc giảm phát thải các-bon, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sự phát triển xanh và bền vững; hai loại chứng chỉ này có khác nhau về tiêu chuẩn đăng ký, hình thức giao dịch và giá trị giao dịch.
Tuy nhiên, với quy định đang được thể hiện tại Luật thuế TNDN thì chỉ có thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) được miễn thuế, thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải tự nguyện (VERs) không được miễn thuế TNDN. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật thuế TNDN để bao quát được thu nhập từ chuyển nhượng các loại chứng chỉ giảm phát thải được miễn thuế.
Ngoài ra, thực tế những năm gần đây, để thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và đưa vào triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy thị trường tín chỉ các-bon, thị trường trái phiếu xanh.
Chẳng hạn như để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh, nhiều quốc gia đã xây dựng và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế TNDN (Mexico, Ấn Độ, Mỹ). Ví dụ như ở Mỹ thu nhập từ trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành được miễn thuế thu nhập; một số quốc gia có chính sách miễn, giảm thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon, vidụ như Thái Lan.
Bộ Tài chính cho rằng, phát triển thị trường tín chỉ các-bon là giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường và tại Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) đã có các quy định về tín chỉ các-bon, cơ chế trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ các-bon cũng như đề ra chủ trương Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã có quy định về trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường; Chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, cần nghiên cứu để bổ sung vào diện được miễn thuế đối với thu nhập từ tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, tương tự như kinh nghiệm của các nước trên thế giới đang áp dụng.
Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ giảm phát thải (CERs), chuyển nhượng tin chỉ các – bon; thu nhập từ tiền lãi trái phiếu xanh; thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành là thu nhập được miễn thuế TNDN.
Theo nhiều chuyên gia, quy định về miễn thuế trên sẽ góp phần phát huy hiệu quả khuyến khích, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đặc thù theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.