Phát triển giáo dục nghề nghiệp hướng tới phục hồi thị trường lao động
Đợt bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19 đã gây sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng. Thị trường lao động đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu lao động bị mất việc làm, bị cắt giảm thu nhập. Trong bối cảnh đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần phục hồi thị trường lao động.
Hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lao động hiện nay
Thời gian qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển giáo dục nghề nghiệp, Diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ; ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Ngày 4/10/2020, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 4/10 hàng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Đến ngày 4/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng. Trong Thư, Chủ tịch Nước đã khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”. Chủ tịch Nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để vững bước tiến vào tương lai.
Trên cơ sở đó, giáo dục nghề nghiệp đã không ngừng đổi mới và có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng và hiệu quả đào tạo được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng nhân lực có kỹ năng của doanh nghiệp cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016-2020 ở mức cao (trên 80%, ở một số ngành, nghề đạt 100%).
Hiện nay, quy mô lực lượng lao động cả nước khoảng 54,844 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 24%, trong số đó có gần 90% là lực lượng lao động qua đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp đang được vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, trong tình hình mới, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và xu thế quốc tế hóa nhân lực, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho giáo dục nghề nghiệp. Theo TS. Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, quy mô, số lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp hiện chưa tương xứng với dân số trong độ tuổi lao động. Đến hết năm 2020, còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp.
Bên cạnh đó, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được mục tiêu đặt ra trong yêu cầu của Bộ Chính trị: “Đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền: Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực thành thị đạt 40,8%, khu vực nông thôn đạt 16,6%. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động.
Công tác đào tạo theo các chương trình chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao. Tính thích ứng của hệ thống chưa cao để theo kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp 4.0 và những rủi ro phi truyền thống như đại dịch COVID-19; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp được huy động trở thành khu cách ly; đào tạo nghề chuyển sang hình thức trực tuyến, chất lượng bị ảnh hưởng do không bố trí đủ thời gian học thực hành trực tiếp tại cơ sở đào tạo và thực hành, thực tập tay nghề tại các doanh nghiệp.
Cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bất cập. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn; ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều địa phương chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, phục hồi thị trường lao động
Để góp phần phục hồi thị trường lao động, công tác giáo dục nghề nghiệp cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Theo đó, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi mà các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong các chương trình mục tiêu không bao phủ.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Công tác tuyển sinh (trực tuyến, trực tiếp) cần được đẩy mạnh; áp dụng các biện pháp để duy trì, tổ chức tốt các hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đa dạng các phương thức, hình thức tổ chức đào tạo (đào tạo trực tuyến, trực tiếp; đào tạo chính quy; vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn...) để đáp ứng với nhiều đối tượng người học, trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi.
Các chương trình, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp cần được triển khai có hiệu quả, góp phần tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp (Chiến lược, quy hoạch, chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động...); đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo. Tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Quyết định số 1446/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, một giải pháp chung đó là quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi COVID-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, người lao động, học sinh sinh viên, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch, nhất là các chính sách đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 cần được triển khai hiệu quả; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế;
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất. Sẵn sàng cung ứng lao động tạm thời cho các doanh nghiệp là lực lượng học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hình thức thực hành, thực tập, vừa học, vừa làm tại doah nghiệp.