Định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của công nghệ số dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế - xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực trong đó có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Thực tế triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc ứng dụng ngày càng phổ biến hơn những công nghệ mới như: chuỗi khối, trí thông minh nhân tạo, internet vạn vật, robot, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) cũng như các công nghệ khác đang liên tục được phát minh ra, mà cốt lõi là quá trình chuyển đổi số, đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Theo Sách trắng Công nghệ thông tin năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có tới hơn 64 triệu người sử dụng Internet cùng trên một trăm triệu thuê bao thiết bị di động. Các mô hình kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vì thế, đã và đang tạo ra thị trường lao động 4.0, cùng với đó là hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp 4.0.
Công tác đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với những nhiệm vụ lớn lao như đại hội Đảng đã chỉ ra “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải được đổi mới toàn diện, tạo sự đột phá chất lượng đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững trong những năm tới.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để giáo dục nghề nghiệp thực hiện chuyển đổi số như: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới... Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án Chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với sự phát triển của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng như hiện nay, các thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách quản lý giáo dục nghề nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên, hầu hết các thông tin, dữ liệu phục vụ nghiên cứu, xây dựng chiến lược và chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đến nay vẫn chưa được thu thập, hệ thống hóa, lưu giữ và tổ chức quản lý tương xứng với giá trị, tầm quan trọng của nó; việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, trong tương lai, rất nhiều các hoạt động về giáo dục nghề nghiệp cần phải chuyển sang dạng số nên việc tạo ra hệ thống lưu giữ chúng bằng công nghệ số là nhu cầu tất yếu, nhằm làm đơn giản hóa việc tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu.
Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 vừa qua cho thấy tiềm năng phát triển mạnh của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Thay đổi phương pháp và hình thức giáo dục nghề nghiệp, chuyển những phần nội dung phù hợp sang hình thức đào tạo trực tuyến giúp tiết kiệm nguồn lực, tạo hiệu quả cao trong đào tạo nghề nghiệp và thuận lợi cho cả nhà trường và người học.
Tuy nhiên, việc triển khai một hình thức mới trong khoảng thời gian ngắn đã khiến nhà trường, giảng viên và sinh viên gặp không ít lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo trực tuyến, xác định các nội dung cần phải thực hiện; tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng cho giáo viên và học sinh, sinh viên; tập huấn sử dụng chương trình, ứng dụng và cách thức thực hiện đào tạo trực tuyến cho giáo viên...
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định được nhu cầu và sự cần thiết phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn loay hoay đi tìm mô hình, cách thức, chiến lược và lộ trình cho công cuộc chuyển đổi số tại đơn vị.
Do đó, việc xây dựng một Đề án chuyển đổi số trên một nền tảng hệ sinh thái chung với các hợp phần phù hợp với bối cảnh, đặc thù riêng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết. Đề án vừa thể hiện vai trò định hướng dẫn dắt của đơn vị quản lý, vừa giúp phát huy và tập trung nguồn lực tổng thể và toàn diện giúp chuyển đổi số thành công trong giáo dục nghề nghiệp.
Định hướng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Dự thảo và Quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu chung của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp thông qua đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Về nguồn nhân lực số, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% và 2030 có 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp hình thành và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt/tổ đề án giúp tham mưu lãnh đạo, tham gia xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số của đơn vị; 80% và năm 2030 có 100% đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ công chức, viên chức và người lao động, giảng viên, người học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Đến năm 2025, phấn đấu có 60% và năm 2030 có 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tập huấn, bồi dưỡng về năng lực số, kỹ năng và phương pháp sư phạm số, năng lực phát triển chương trình và xây dựng học liệu số; 60% và năm 2030 có 80% sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp và cao đẳng đạt chuẩn năng lực số cơ bản, được trang bị kỹ năng và kiến thức văn hóa ứng xử khi học tập và làm việc trên môi trường số; 50% và năm 2030 có 70% sinh viên tốt nghiệp thuộc các ngành/nghề đào tạo, bao gồm cả công nghệ thông tin của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phục vụ trực tiếp cho nền kinh tế số.
Về phương pháp dạy và học, mục tiêu đến năm 2025 có 60% và năm 2030 có 80% các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến hoặc đào tạo kết hợp (trong đó 100% môn học chung, nội dung lý thuyết được triển khai trực tuyến); 60% và năm 2030 có 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ứng dụng chuyển đổi số vào cá thể hóa việc đào tạo, sinh viên được linh hoạt lựa chọn nội dung đào tạo, tùy biến hoạt động ngoại khóa, bổ trợ kỹ năng phù hợp với sở trường, thế mạnh và quan tâm của từng người trên nền tảng số...
Để đạt được các mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Các giải pháp của Đề án gồm: Xây dựng hoàn thiện thế chế và cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Chỉnh sửa, cập nhật nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; Thay đổi phương pháp dạy và học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp; Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; Phát triển nhà giáo số và học viên số; Quản lý và quản trị số; Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.