Phát triển kinh tế, kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa


Bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu trong quá trình phát triển.

 Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Đó là nội dung được PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 3 với chủ đề: “Phát triển kinh tế và Kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” (SEDBM 2020) do Học viện Tài chính và Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp tổ chức ngày 25/9/2020, tại Hà Nội.

Thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu

Theo PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, đến nay, với sự xuất hiện của kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mỗi lúc một khác, tác động cả tích cực và tiêu cực đến kinh tế - tài chính và an sinh xã hội.

Mặc dù Việt Nam đã tăng trưởng nhanh ngoạn mục trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng sự chuyển đổi sang nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại mới chỉ bắt đầu. Với mức thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của mức trung bình toàn cầu, Việt Nam đang cố gắng duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhanh và đi theo con đường của các nền kinh tế Đông Á thành công khác đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia thu nhập trung bình cao trong nửa thập kỷ qua.

Tuy nhiên, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Do đó, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để tìm được mô hình tăng trưởng mới theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu trong quá trình phát triển, trong đó cần thay đổi tỷ lệ các nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, ưu tiên cho động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nhảy vọt ở một số lĩnh vực. Việt Nam cũng cần ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm; phát triển kinh tế vùng và xây dựng liên kết vùng, tạo các cực tăng trưởng và phát triển bền vững…

Tận dụng cơ hội vàng

Trao đổi về cơ hội của Việt Nam trong phát triển, PGS,TS. Trần Đình Thiên cho biết, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế bày tỏ lạc quan về triển vọng cơ hội vàng của Việt Nam từ xu hướng hội nhập quốc tế, mới đây là dịch chuyển đầu tư, rồi dân số trẻ.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn khi tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)... Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để tận dụng các ngoại lực, đưa đất nước đi lên và nếu chậm sửa đổi, các cơ hội vàng sẽ tiếp tục bị bỏ qua.

Về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, PGS.,TS. Lý Phương Duyên (Học viện Tài chính) cho rằng, trước đây, khi nghiên cứu xu hướng thuế trong động lực thúc đẩy đầu tư FDI, trong 11 yếu tố, chính sách và ưu đãi thuế chỉ đứng ở vị trí thứ 8. Nhưng gần đây, xem xét các báo cáo của Worldbank và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), các chính sách và ưu đãi thuế là tác nhân thứ 5 trong số 15 tác nhân thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Như vậy, thế giới đã thay đổi, quan niệm về thuế, ưu đãi của các nhà đầu tư đã khác so với trước đây, buộc chúng ta phải thích ứng để tránh tụt hậu, thua thiệt.

Về tăng trưởng xanh, bền vững, chuyên gia John Bruce Wells, từ tổ chức Deloitte (Mỹ), Giám đốc chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam cho rằng, mối quan hệ tăng trưởng xanh phải đặt trong tăng trưởng bền vững. Nếu chỉ xanh trong ngắn hạn mà bỏ qua dài hạn sẽ khiến đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận và làm rõ điều kiện phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa; cẩn phải làm gì để phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa; vai trò, sự tác động của các yếu tố kinh tế, tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán đến phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa; vấn đề chuyển đổi số hiện nay...