Phát triển kinh tế số: Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc phát triển kinh tế số đã trở thành nhu cầu tất yếu. Điều này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) mở rộng phạm vi hoạt động, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm…

Sản phẩm được rau bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: B.T
Sản phẩm được rau bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: B.T

Nhiều lợi ích

Qua thống kê cho thấy, Việt Nam xếp thứ 22/60 quốc gia về tốc độ số hóa và xếp thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu triển khai thương mại 5G vào năm 2022 gắn với khuyến khích người dân dùng smartphone và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5%... Tất cả những tiền đề quan trọng trên sẽ thúc đẩy kinh tế số phát triển và tạo nên tính lan tỏa mạnh trong thời gian tới.

Thực tiễn đã chứng minh, qua 2 năm nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 đã tạo ra những ách tắc trong lưu thông hàng hóa và các hình thức giao dịch trực tiếp gần như bị phá vỡ. Tuy nhiên, đây lại trở thành cơ hội cho kinh tế số phát triển và tạo nên những đột phá mang tính cộng đồng, tăng khả năng kết nối thông qua các giao dịch điện tử, ứng dụng thông minh. Đó là các hình thức giao dịch trực tuyến thông qua các trang điện tử, các ứng dụng tiện ích có khả năng kết nối cao vào tất cả các lĩnh vực của kinh tế, văn hóa, đời sống như: kê khai thuế, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn qua ngân hàng, mua bán hàng online, giao hàng và thực phẩm tận nhà…

Không chỉ thế, kinh tế số còn góp phần làm cho các giao dịch diễn ra nhanh hơn, ít tốn kém hơn, nhất là các giao dịch có liên quan đến các thủ tục hành chính trực tiếp được thay bằng các công cụ hỗ trợ, hướng dẫn và giúp cho người dân, DN được tiếp cận các dịch vụ công và tư một cách nhanh chóng, giảm tối đa các khoản chi phí phát sinh. Điều đáng nói, công nghệ số đã đặt người sử dụng các công nghệ, thiết bị thông minh ấy trở thành trung tâm.

Đơn cử như trong mua bán và tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng thật sự trở thành “thượng đế” và quyền năng hơn khi tham gia bình phẩm, đánh giá sản phẩm và đề xuất ý kiến của mình trên các trang bán hàng, buộc DN phải lắng nghe và có ngay các giải pháp vì các trang điện tử này có kết nối rộng. Vì vậy, nó không còn là câu chuyện của người bán hàng với người mua hàng mà trở thành sự quan tâm chung của cộng đồng đang hiện diện trên trang điện tử ấy.

Doanh nghiệp chưa quan tâm

Phải khẳng định rằng, kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong hội nhập và phát triển thương mại điện tử đã trở thành nhu cầu mang tính bắt buộc hiện nay. Thế nhưng, có một thực tế là phần lớn các DN của tỉnh chưa quan tâm đến phát triển kinh tế số, vì sợ đầu tư, sợ quảng bá, sợ phải đóng nhiều tiền thuế khi hàng hóa được bán rộng rãi và công khai trên mạng…

Tất cả những nỗi sợ ấy đã khiến các DN cứ co cụm trong phạm vi gia đình mà thực tế là trong 5 năm qua, việc khuyến khích các cơ sở sản xuất - kinh doanh phát triển lên DN đều không đạt kế hoạch đề ra. Đồng thời, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đã được thành lập hơn 10 năm và hỗ trợ miễn phí tất cả cho DN, nhưng đến nay chưa đến 80 DN tham gia sàn trên tổng số hơn 1.600 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh!?

Với một tỉnh thuần nông như Bạc Liêu, thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thì việc phát triển kinh tế số thông qua các sàn giao dịch, trang thương mại điện tử để tăng khả năng kết nối, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu sản phẩm là rất cần thiết. Do vậy, ngành quản lý và các địa phương cần xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các DN, hộ sản xuất - kinh doanh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng trong tham gia phát triển kinh tế số.

Từ đó, chủ động tham gia và tích cực đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch và mạnh dạn ứng dụng các giao dịch điện tử, góp phần cho kinh tế số phát triển và thật sự tạo nên những động lực cho tăng trưởng kinh tế.